Ian Bùi


Những người đàn bà mắt đen

“Black-Eyed Women”, truyện đầu trong tập truyện ngắn The Refugees (Người Tị Nạn)
của Nguyễn Thanh Việt, người đoạt giải Pulitzer văn chương năm 2016.
Tác giả nói: “Tôi mất 17 năm trời, gần 50 bản thảo để viết xong truyện này.
Nhờ không bị nó vật chết mà tôi đã trở thành nhà văn.”
Bản dịch này cũng khá gian truân, đã nhiều lần sửa đổi,
và có thể sẽ chẳng bao giờ vừa ý hoàn toàn. Nhiều đêm dịch giả thức dậy giữa khuya
chỉ để chỉnh vài chữ, chẳng khác nào bị ma nhập.

Ian Bùi

***

Tiếng tăm, loại mà người bình thường ít ai mong có, thường ập đến một cách bất ngờ – khi vì bị bắt cóc giam cầm nhiều năm, lúc vì dính phải xì-căng-đan lăng nhăng tình ái, hoặc nhờ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Nhiều người sống sót sau mấy tình huống như vậy hay kiếm văn sĩ ma để viết hồi ký giùm mình. Những nhân viên agent đại diện cho họ thỉnh thoảng tìm thấy tên tôi. Một lần nọ Má bảo, “Cũng may tên tuổi con ít ai biết tới.” Khi tôi trả lời mình sẽ không phiền lòng nếu được nêu danh trong mục cảm tạ, bà nói, “Để Má kể con nghe chuyện này.” Đó là lần đầu, nhưng không là lần cuối. “Hồi xưa ở bên nhà,” Má nói, “có tay phóng viên nọ hay tố cáo chính quyền việc tra tấn tù nhân. Thế là nhà nước quay lại làm đúng điều đó với hắn. Họ đem anh ta đi đâu không ai biết, mất biệt luôn tới giờ. Đó là số phận những người viết có can đảm đề tên mình lên sách báo.”

Khi ông Victor Devoto thuê tôi, tôi đã chấp nhận thân phận một kẻ viết mướn không bao giờ được thấy tên mình trên bìa sách. Agent của Victor đưa cho ông ta coi một cuốn sách do tôi chấp bút. “Tác giả” quyển sách ấy là một người cha có đứa con một hôm xách súng vào trường, nã đạn giết chết mấy người. “Tôi hiểu mặc cảm tội lỗi của ông ta,” Victor nói với tôi. Bản thân ông là người duy nhất sống sót trong một tai nạn máy bay. 170 người kia, luôn cả vợ con ông, đều chết hết. Phần người còn lại của ông thường hay xuất hiện trên các chương trình TV, một cái xác biết đi không hơn kém. Giọng nói của ông nhỏ nhẹ và đơn điệu. Đôi mắt, khi bất chợt nhìn lên, như chứa đựng những hình bóng thê lương. Nhà xuất bản cho ông hay phải viết xong quyển sách thật nhanh, trước khi thảm kịch trôi vào quên lãng. Và đó là công việc mà tôi đang dồn hết tâm trí vào khi người anh đã chết của tôi bỗng dưng trở về.

Má đánh thức tôi dậy, bên ngoài trời tối om, “Con đừng có sợ.”

Cửa phòng tôi mở toang hoang, đèn từ hành lang làm tôi chói mắt, “Chuyện gì mà con phải sợ?”

Khi Má nói tên anh, tôi không nghĩ đến anh. Anh mất lâu lắm rồi. Tôi nhắm mắt lại và trả lời mình không biết người nào có tên đó, nhưng Má quả quyết. “Nó về thăm Má con mình,” bà lật chăn khỏi người kéo tôi ra. Tôi miễn cưỡng trèo xuống giường, mắt nhắm mắt mở. Má tôi năm ấy mới sáu mươi ba, chưa lú lẫn lắm. Bà dắt tôi ra phòng khách rồi bật khóc, tôi không hề ngạc nhiên. “Nó mới ngay đây,” bà quỳ xuống bên cạnh chiếc ghế bành, sờ soạng tấm thảm. “Còn ướt nè.” Trong bộ đồ ngủ, Má tôi bò lần theo vệt ẩm ra tới cửa trước. Tôi chạm tay lên thảm, thấy ươn ướt. Giật mình trong tích tắc, tôi chợt nghĩ biết đâu có thật. Im ắng bao trùm căn nhà lúc bốn giờ sáng, dự báo điềm gì không hay. Nhưng rồi tôi nghe có tiếng mưa trên máng xối. Cần cổ tôi nãy giờ cứng ngắc vì sợ từ từ giãn ra. Chắc là Má vừa mở cửa ra ngoài, mắc mưa, rồi đi chân ướt vào nhà. Tôi quỳ xuống bên Má đang cúi gập người trên thảm, tay còn đang bám chặt nắm cửa, “Má chỉ giỏi tưởng tượng.”

“Má biết Má thấy gì mà. Nó đi qua đi lại. Nó nói chuyện. Nó nói nó muốn gặp con.”

“Vậy ảnh đâu rồi hả Má? Con có thấy ai đâu!”

“Làm sao con thấy được,” Má thở dài, như thể tôi quá đần độn để hiểu một điều hết sức hiển nhiên. “Nó là ma mà, đúng không?”

 oOo

 Từ khi Ba mất cách đây vài năm, hai Má con tôi sống chung một cách lịch sự. Chúng tôi chia sẻ niềm đam mê chữ nghĩa, nhưng tôi thì thích sự im lặng của nghề viết, còn Má tôi lại thích nói. Bà không ngừng tiếp cho tôi những lời đồn đãi, những câu chuyện về một người cha mà tôi không hề biết, lúc ông còn vui vẻ trẻ trung. Kế đến là những chuyện kinh khiếp, giống chuyện người phóng viên nọ, ví chừng đời sống là hệ thống cảnh sát, thỉnh thoảng nó lại nổi hứng đánh đập người ta. Và cuối cùng là loại chuyện Má tôi thích nhất – chuyện ma, có chuyện chính mắt bà thấy.

“Bà Sáu bị đột quỵ mất năm 76 tuổi,” Má tôi kể một hay hai ba lần gì đó, tôi không nhớ vì bà có thói quen lặp đi lặp lại. Mà tôi cũng ít để tâm những câu chuyện Má tôi hay kể. “Bà ở Vũng Tàu, còn nhà mình ở Nha Trang. Má đang dọn cơm ra bàn bỗng thấy Bà Sáu ngồi thù lù trong bộ áo ngủ. Mái tóc bạc trắng mà Bà hay búi lên xoã xuống dưới vai, che nửa bên mặt. Xém chút nữa Má làm đổ hết chén dĩa. Má hỏi Bà làm gì đây vậy, Bà chỉ mỉm cười. Xong Bà đứng dậy, hôn Má rồi xoay người Má vô bếp. Lúc Má quay lại thì Bà đã đi mất. Đó là hồn Ma của Bà. Má gọi liền cho Ông Sáu, ông nói đúng là Bà vừa mới mất bữa đó, trên giường.”

Bà Sáu ra đi nhẹ nhàng thanh thản, Má nói, ngay trong nhà của mình với người thân bên cạnh. Hồn bà bay đi khắp nơi chia tay với bà con. Má tôi nhắc lại chuyện Bà Sáu vào buổi sáng, sau cái đêm bà thấy con trai bà, anh tôi, hiện về. Hai Má con tôi ngồi trong bếp, bên chiếc bàn ăn. Tôi pha cho Má ấm trà xanh. Mặc dù bị phản đối dữ dội, tôi nhất định đo nhiệt độ cho Má, và như bà báo trước, kết quả bình thường. Quơ quơ cái ống nhiệt kế trước mặt tôi, Má nói có lẽ vì mệt nên anh tôi không ở lâu được. Dù gì thì thằng con của bà cũng đã phải vượt mấy ngàn dặm trường.

“Vậy ảnh tới đây bằng cách nào?”

“Thì bơi chớ sao,” Má nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại. “Tại vậy nên nó mới ướt chèm nhẹp đó.”

“Ảnh bơi giỏi ghê hén,” tôi đùa. “Má thấy ảnh sao?”

“Y chang như hồi đó.”

“Hăm lăm năm rồi. Bộ ảnh không thay đổi gì hết à?”

“Lần cuối mình thấy người ta ra sao thì giờ mình sẽ thấy họ y vậy.”

Tôi nhớ lại hình ảnh cuối cùng của anh, bỗng dưng tôi không còn thấy mắc cười nữa. Nét mặt sửng sốt, cặp mắt trợn trừng không chớp, mảnh ván gãy của chiếc ghe áp sát vào má — tôi thật tình không muốn nhìn thấy anh tôi lần nữa, giả dụ như vẫn còn cái gì đó, hay ai đó, để mà nhìn. Sau khi Má lái xe ra tiệm nail đi làm, tôi leo lên giường cố ngủ lại nhưng không tài nào chợp mắt. Mỗi lần nhắm mắt lại là tôi thấy anh nhìn mình trừng trừng. Tôi chợt nhớ đã mấy tháng mình không nghĩ đến anh. Nhiều lần tôi đã cố quên anh, nhưng chỉ cần rẽ một khúc quanh trong thế giới này, hay là trong tâm tưởng, là tôi bắt gặp anh, người bạn thân nhất đời mình. Trong ký ức sâu thẳm nhất của tôi đã có tiếng anh gọi từ sân ngoài. Chỉ cần nghe nhiêu đó là tôi nhào ra, chạy u theo anh qua những con đường làng ngóc ngách, xuyên những vườn xoài vườn mít, né mấy thân dừa tàu lá xác xơ, leo lên con đê dựa lưng cánh đồng đầy hố bom lồi lõm.

Nhưng giờ nhìn lại tôi mới thấy, tuổi thơ của mình đã sống trên một mảnh đất bị ma ám. Ba tôi bị bắt đi quân dịch, cả nhà lo sẽ chẳng bao giờ gặp lại ông. Trước khi lên đường nhập ngũ ông cho đào một căn hầm bên hông nhà, mái lợp chống bằng gỗ và bao cát tấn chung quanh. Nó ngộp, nóng, hăng mùi đất ẩm và đầy côn trùng lổm ngổm, nhưng lúc còn bé hai anh em tôi rất thích trốn vào đó chơi. Lớn hơn một chút, tụi tôi hay chui xuống hầm để học bài và kể chuyện cho nhau nghe. Tôi là đứa học trò giỏi nhất lớp, đủ để thày giáo dạy thêm cho tôi tiếng Anh sau giờ học, và tôi truyền lại cho anh tôi những bài học đó. Bù lại, anh kể tôi nghe những truyện dân gian, chuyện thần thoại, ba tin đồn vớ vẩn. Những khi chúng tôi phải núp trong hầm với Má để tránh oanh tạc hay pháo kích, anh thường thủ thỉ rót chuyện ma vào tai tôi để tôi chia trí. Nhưng anh bảo đó không phải là chuyện ma, mà là những điều tai nghe mắt thấy của mấy bà già ngoài chợ chuyên canh củi lửa hoặc buôn gánh bán bưng, họ ngồi chồm hổm nhai trầu rồi nhổ nước bọt đỏ choé. Cư dân chính thức trong làng, theo lời họ kể, có nửa thân trên của một anh trung uý Đại Hàn được phóng đi bằng một quả mìn, văng dính lên cây cao su; có anh lính Mỹ đen bị lột da đầu trôi trên con rạch gần chỗ chiếc trực thăng của anh ta bị bắn rớt, cặp mắt trắng dã, chiếc sọ hình bán nguyệt lòi óc phêu phếu dưới trăng; một anh binh nhì người Nhật không đầu, sục sạo hằng đêm trên giồng khoai mì để kiếm cái đầu của mình. Mấy thằng xâm lược đến chinh phục nước ta rồi ở lại luôn không chịu hồi hương, mấy bà già trầu vừa kể vừa cười khanh khách, khoe bộ răng đen nhánh. Anh thuật lại như vậy. Trong bầu không khí ảm đạm lúc ấy tôi sướng tê người vì được nghe những mẩu chuyện đến từ những người đàn bà với cặp mắt đen láy. Tôi cũng lờ mờ đoán rằng mình sẽ không bao giờ kể được những câu chuyện như thế.

 oOo

Thế nhưng, có phải trớ trêu là tôi lại sống bằng nghề tác giả ma? Tôi nằm trên giường giữa thanh thiên bạch nhật, vắt tay lên trán tự chất vấn mình, nhưng những người đàn bà răng đen mắt đen kia lại nghe được. Cái mà cô đang có gọi là cuộc sống được à? Họ cười khùng khục qua kẽ răng. Tôi kéo chăn trùm lên tận mũi, như hồi mới qua Mỹ vẫn hay làm vì sợ mấy con quái vật đang rình rập ngoài hành lang và xung quanh nhà. Mỗi khi có tiếng gõ cửa Ba Má phải núp sau rèm nhìn ra xem là ai, sợ nhất là đám thanh niên đồng hương, lớn lên trong bạo lực chiến tranh, kéo tới quấy phá. “Không được mở cửa nếu thấy người lạ,” Má dặn tới dặn lui. “Đừng để như gia đình nọ, bọn cướp mang súng xông vào trói ké. Tụi nó lấy đầu thuốc lá dí đốt thằng bé cho tới khi bà mẹ chịu khai chỗ giấu tiền mới thôi.” Tuổi mới lớn của tôi đầy dẫy những chuyện đau lòng giống vậy, chúng càng làm cho tôi tin lời Má, rằng gia đình mình không được chấp nhận ở cái xứ này. Trong một đất nước mà của cải là tất cả, chúng tôi chả có gì ngoài những câu chuyện.

Khi tôi nghe tiếng gõ cửa thì trời bên ngoài đã tối. Đồng hồ trên tay chỉ 6:35. Tiếng gõ tiếp tục, ngập ngừng, nhè nhẹ. Dù không muốn tin chính mình nhưng tôi vẫn biết đó là ai. Tôi đã khoá chặt cửa từ trước để đề phòng, giờ thì tôi kéo chăn lên trùm đầu kín mít, tim tôi đập mạnh. Tôi vận dụng hết trí lực để đuổi người ấy đi, nhưng khi cánh cửa rung lên bần bật tôi biết đã đến lúc phải ngồi dậy. Những sợi lông măng trên người tôi dựng đứng, mắt tôi mở to nhìn nắm cửa rung rinh dưới sức mạnh của bàn tay anh. Sực nhớ anh đã liều mạng cứu mình, tôi không thể nào không ra mở cửa.

Mặt anh trắng nhách, hơi bị phù, da ngăm đen, đầu tóc lưa thưa. Anh mặc quần đùi đen và cái áo thun xám nhàu nát, tay chân xương xẩu khẳng khiu. Lần cuối tôi thấy anh, anh cao hơn tôi một cái đầu; giờ thì ngược lại. Anh gọi tên tôi, giọng anh khàn đục không giống chất giọng thanh tao thời mới lớn. Nhưng đôi mắt vẫn vậy, tò mò, và cặp môi hở ra như lúc nào cũng sẵn sàng bắt chuyện. Một vết bầm tím sẫm đen loang loáng bên thái dương, nhưng vệt máu như tôi vẫn nhớ thì không còn nữa, có lẽ nó đã được rửa sạch bởi bão mưa và nước mặn. Mưa đã tạnh nhưng người anh ướt sũng. Tôi nghe mùi biển từ anh, và khủng khiếp hơn nữa, cái mùi xú uế trên chiếc ghe ngập ngụa mồ hôi và tiêu tiểu.

Tôi run lên khi anh gọi tên mình, nhưng đây là hồn ma của một người mà tôi yêu quý, người tôi không bao giờ làm hại, của một con ma mà, như Má hay nói, sẽ không bao giờ hãm hại tôi. “Vô đi,” tôi lắp bắp và cảm thấy đó là câu nói can đảm nhất của mình. Anh đứng yên, nhìn xuống tấm thảm bị nhễu đầy nước. Khi tôi đưa cho anh cái áo thun sạch và cái quần short cùng với chiếc khăn, anh ngần ngừ chờ tôi quay mặt đi để anh thay đồ. Đây là bộ đồ nhỏ nhất của tôi nhưng nó vẫn quá khổ đối với anh. Quần short thì dài tới đầu gối, áo thun rộng thùng thình. Tôi ra dấu kêu anh vào, lần này thì anh làm theo, leo ngồi lên chiếc giường bùi nhùi chăn gối. Anh tránh nhìn vào mắt tôi, có vẻ như anh sợ tôi hơn là tôi sợ anh. Anh vẫn là một cậu bé mười lăm tuổi nhưng tôi thì đã ba mươi tám, không còn là một con bé nghịch ngợm, sung sức chỉ thích nói chuyện khi cần – như khi tôi phỏng vấn ông Victor chẳng hạn. Làm một nhà văn, dù chỉ hạng ba hay hạng tư, phải rành những câu lịch sự tối thiểu mà tôi đây dư sức. Nhưng nói gì đây với một hồn ma, ngoại trừ hỏi tại sao nó đến? Có lẽ vì sợ nghe câu trả lời đó nên tôi hỏi né, “Sao bây giờ anh mới tới?”

Anh nhìn xuống đôi chân của tôi, mười móng chân trần không sơn phết. Chắc anh cảm nhận được tôi không có khiếu với trẻ con. Thiên chức làm mẹ đòi hỏi nơi tôi một sự thân mật vượt ngoài khả năng, chẳng khác nào cuộc tình dài hơn một đêm.

“Anh phải bơi một quãng xa như vậy, chắc tốn thì giờ lắm hả?”

“Ừ.” Miệng anh vẫn mở, như còn muốn nói thêm nhưng không biết nói gì hoặc nói bằng cách nào. Biết đâu chuyện anh hiện hồn về là hệ quả đầu tiên của điều mà Má thường gọi là cái nhân tánh bất bình thường của tôi, độc thân và không con cái. Biết đâu anh không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng tôi mà là triệu chứng của một điềm gở. Như căn bệnh ung thư của Ba tôi chẳng hạn. Cái chết của ông cũng khá tốt, Má nói vậy. Ông mất tại gia, với người thân tề tựu, không như cái chết của đứa con trai bà và, xém chút nữa, của tôi. Cơn hốt hoảng trào lên từ đáy giếng sâu bao lâu nay tôi tưởng mình đã đổ xi-măng lên bít kín. May hồn, tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe tiếng cửa trước xịch mở. “Má sẽ muốn gặp anh,” tôi bảo. “Anh chờ ngay đây, em quay lại liền.”

Khi chúng tôi bước trở vào phòng, chỉ còn cái áo thun sũng nước và chiếc khăn ướt. Má cầm nó lên săm soi, đúng là cái áo anh mặc hôm đó, trên chiếc ghe màu xanh với cặp mắt đỏ khè.

“Giờ con biết rồi đó,” Má nói. “Chớ quay lưng lại với bóng ma.”

oOo

Chiếc quần đen và cái áo thun hôi rình mùi biển, nặng nhiều hơn lượng nước bên trong. Khi tôi rinh bộ quần áo vô bếp, nó oằn trọng lượng của một chứng tích. Tôi từng thấy anh mặc bộ đồ này cả chục lần. Tôi nhớ cả khi chiếc quần còn xanh mới, chưa bị bùn đất biến thành đen, cái áo chưa ngả sang xám, còn trắng muốt phẳng phiu. “Giờ thì con tin chưa?” Má mở nắp máy giặt. Tôi ngần ngừ. Nhiều người tả niềm tin cháy bỏng, nhưng cái niềm tin tôi vừa khám phá lại lạnh cóng. “Dạ,” tôi nói. “Con tin rồi.”

Tiếng máy giặt chạy rì rầm sau nhà, hai má con tôi ngồi ăn trong bếp. Không gian phảng phất mùi gừng và hồi. “Tại vậy mà nó đi lâu quá chừng,” Má vừa thổi vừa húp tô súp nóng hổi. Chẳng có gì có thể làm cho Má tôi ăn không ngon hoặc nuốt không trôi, kể cả cái chuyện trên ghe hay chuyện thằng con của Má hiện về. “Nó phải bơi tuốt từ bên đó qua đây lận mà.”

“Bà Sáu chết cách mấy trăm dặm mà Má còn thấy cùng ngày.”

“Ma đâu tuân theo quy luật của người sống con. Mỗi hồn ma mỗi khác. Có ma hiền, ma dữ, ma buồn, ma vui. Ma người chết già, ma người chết trẻ, chết khi còn thơ. Con nghĩ coi, ma con nít cư xử giống ma ông già không?”

Tôi chẳng biết gì về ma quỷ. Hồi đó tôi không tin có ma, mà cũng chẳng quen ai tin ngoại trừ Má, và Victor, một con người sống gần giống như ma. Cơn viêm nhiệt của nỗi đau làm cho da ông ta trắng nhợt, nhìn dám xuyên qua được. Sắc màu duy nhất trên người ông là chòm tóc đỏ bờm xờm không chải. Ông nói với tôi về thế giới bên kia chỉ hai lần, một lần qua điện thoại, lần thứ nhì tại phòng khách tư gia. Từ hôm gia đình ông rời nhà ra phi trường, mọi thứ trong căn phòng ấy đều được giữ nguyên không ai đụng đến, kể cả những lớp bụi bặm u ám.

Tôi có cảm tưởng dãy cửa sổ chưa hề được mở ra từ đó, như thể Victor muốn đóng hộp khoảng không khí ít ỏi cuối cùng của vợ con trước khi họ lao mình vào cái chết xa nhà. “Người chết tiếp tục cuộc du hành,” ông thu mình trong chiếc ghế bành, hai bàn tay kẹp giữa đùi. “Nhưng người sống phải ở lại.”

Đó là câu mở đầu cho chương cuối quyển hồi ký. Sau khi Má đi ngủ, tôi xuống phòng làm việc dưới căn hầm sáng choang ánh đèn néon và bắt đầu viết. Xong được một câu tôi lại dừng bút, chờ nghe tiếng gõ cửa hay tiếng chân trên cầu thang. Qua đêm đầu tôi tạo được cho mình một tiết nhịp, cứ hết vài câu thì ngừng, chờ đợi một điều không bao giờ đến. Những đêm sau cứ y như thế. Một hôm, khi tôi viết gần đến đoạn cuối, Má từ tiệm nail về, tay xách mấy bịch ny-lông mua ở phố Tàu. Một bịch là đồ ăn. Bịch kia đựng đồ lót, bộ đồ ngủ, cái quần bò, chiếc áo da, đôi vớ, cặp găng tay, và chiếc mũ bóng chày. Má xếp mớ đồ mới bên cạnh cái áo thun và quần cộc đen của anh đã được giặt ủi khô sạch, phân trần, “Đâu để cho nó lang thang ngoài đường với bộ đồ của con hoài vậy được, nhìn giống dân không nhà hay là bọn nhập cư từ đâu tới.” Tôi nói mình chưa bao giờ nghĩ xa tới đó. Má xì hơi mũi, tỏ vẻ bực mình vì cái dốt của tôi về nhu cầu của ma. Đến bữa cơm tối Má mới vui vẻ trở lại. Nhờ là thay vì chui xuống phòng làm việc như mọi bữa, tôi ngồi nán lại để cùng coi với Má một cuốn phim bộ tình cảm xã hội mà bà mướn hàng tá, với những cô chàng Hàn quốc đẹp rực rỡ hay gặp rắc rối trong yêu đương. Bằng một âm điệu nuối tiếc nhưng kéo tôi đến gần, Má nói, “Nếu không bị chiến tranh thì nước mình giờ cũng giống như Nam Hàn. Sài Gòn sẽ giống như Seoul. Ba con vẫn còn sống, con có chồng có con, Má làm bà nội trợ về hưu, không phải làm nail cực khổ.” Má để chén hột dưa lên đùi, đầu cuốn đầy mấy ống nhựa uốn tóc. “Má sẽ đi thăm bè bạn mỗi ngày, hoặc là họ đến thăm Má. Khi Má mất sẽ có cả trăm người đưa đám. Kiểu con lo cho Má như vầy, may lắm được hai chục người tới. Đó là cái làm Má sợ hơn gì hết. Đổ rác hàng tuần hay trả tiền bill hàng tháng con còn không nhớ. Ra chợ mua đồ ăn còn không đi.”

“Con sẽ nhớ lo cho vong hồn của Má.”

“Con sẽ quàn Má ở đâu? Giỗ Má là ngày nào? Con sẽ khấn vái cái gì?”

“Thì Má cứ ghi xuống,” tôi trả lời, “những gì con cần phải nói.”

“Anh con mà còn sống nó sẽ biết phải làm gì,” Má nói. “Con trai là vậy.”

Tôi cứng họng.

oOo

Đợi tới mười một giờ vẫn chẳng thấy ai, Má đi ngủ. Tôi xuống nhà dưới, chuẩn bị viết. Công việc cầm bút chẳng khác nào lần bước trong chốn sương mù, mò mẫm tìm một lối đi từ cõi con người sang thế giới con chữ. Không phải ngày nào cũng dễ tìm được lối ra. Trên vai tôi là con két với một câu hỏi hóc búa, tại sao tôi sống mà anh phải chết? Tôi nhỏ hơn, yếu đuối hơn, vậy mà anh lại là người bị chôn trên biển, chìm vào đại dương không một bó chiếu, không một lời vĩnh biệt đến từ tôi. Tiếng gào của Má và tiếng nấc của Ba không lấp nổi âm vang của thinh lặng trong tôi. Đã đến lúc phải nói vài lời để gọi anh về cho anh toại nguyện, nhưng tôi không tìm được chữ. Tưởng một đêm nữa sẽ trôi qua anh không đến, bỗng nhiên có tiếng gõ cửa trên đầu cầu thang. Mình tin mà, tôi tự nhủ lòng. Mình tin là anh sẽ không hại mình mà.

“Anh không cần gõ,” tôi mở cửa ra và nói. “Nhà này cũng là của anh.”

Anh nhìn tôi trân trân. Cả hai lúng túng trong im lặng. Cuối cùng anh nói, “Cám ơn mày nghen.” Lần này tiếng anh mạnh mẽ, chất giọng thanh cao của thời mới lớn, và anh nhìn thẳng vào mắt tôi. Anh vẫn mặc cái áo thun và quần short tôi đưa hôm bữa, nhưng khi tôi chỉ anh những thứ Má mới mua, anh nói, “Tao không cần mấy cái này.”

“Anh đang mặc đồ em đưa.”

Anh im lặng. Sự im lặng kéo dài đến nỗi tôi tưởng anh không nghe tôi nói.

Cuối cùng anh trả lời, “Người chết mặc đồ cho người sống. Không phải cho họ.”

“Đó giờ mình vẫn biết là có ma,” anh nói tiếp.

“Em thì không tin hoàn toàn.” Tôi cầm tay anh. “Sao anh trở về?”

“Tao đâu có trở về. Tao đi tới đây.”

“Anh chưa hề rời bỏ cõi đời này?”

Anh gật đầu.

“Tại sao không?”

Anh lại im lặng hồi lâu. Rồi anh hỏi, “Mày nghĩ tại sao?”

Tôi nhìn ra hướng khác. “Em đã ráng quên.”

“Nhưng mày chưa quên.”

“Em không thể.”

Tôi nhớ rất rõ chiếc thuyền không tên màu xanh, và nó cũng không bao giờ quên tôi, cặp mắt đỏ lè sơn trên mũi ghe lúc nào cũng trừng trừng nhìn xuống đời mình. Sau bốn ngày khá êm trên biển, đêm trời quang mưa tạnh, ngày mây trắng nắng xanh, những hòn đảo bắt đầu xuất hiện, li ti chấm phá phía chân trời. Bỗng dưng từ xa một chiếc thuyền lớn nhắm ngay ghe của chúng tôi thẳng tiến. Tốc độ của nó cực kỳ nhanh. Thuyền chúng tôi dĩ nhiên đi rất chậm vì chỉ là chiếc ghe đánh cá nhỏ nhưng phải chở cả trăm mạng thay vì chỉ vài người thuỷ thủ và những con cá mòi. Anh lôi tôi xuống buồng lái, tiếng động cơ kêu rền rĩ. Móc con dao nhỏ trong túi ra, anh cắt mái tóc tôi thành lởm chởm ngắn ngủn như con trai, kiểu tóc mà tôi vẫn giữ cho đến bây giờ. “Nhớ đừng mở miệng.” Lúc ấy anh mười lăm tuổi, tôi mới mười ba. “Giọng mày con gái lắm. Cởi áo ra.”

Lúc nào tôi cũng nghe lời anh, dù lần này tôi hơi mắc cở. Anh liếc thoáng qua xong nhanh tay xé áo tôi ra từng mảnh, quấn chặt bộ ngực vừa bắt đầu nhú lên của tôi. Anh cởi áo ngoài của mình ra mặc vào cho tôi rồi cài nút lại, trên người anh còn độc chiếc áo thun sờn bạc. Rồi anh lấy dầu máy bôi lên mặt tôi, chúng tôi ngồi thu mình dưới đó cho đến khi bọn hải tặc áp tới. Chúng cũng dân chài giống như người mình, đen đủi và gân guốc, chỉ khác ở chỗ chúng có rựa và súng máy. Mọi người tháo hết vòng vàng, bông tai, nhẫn cưới đưa cho chúng. Xong chúng gom hết đàn bà con gái lại, không quên bắn chết một ông chồng và một người cha dám mở miệng phản đối. Ai nấy im thin thít trừ những người đang bị lôi đi kêu la thảm thiết. Tôi không quen biết ai trong đám người đó, những đứa con gái này đến từ làng khác. Điều này có lẽ làm giảm phần nào mặc cảm tội lỗi khi tôi núp mặt vào cánh tay anh cầu trời cho mình không bị bắt. Tôi ráng nín thở cho tới khi tất cả phụ nữ đã bị tống lên ghe bên kia và bọn hải tặc lục tục lên theo.

Tên cuối cùng nhìn phớt qua tôi. Hắn cỡ tuổi Ba, chiếc mũi thù lù như cái móng heo bị nắng thiêu, nồng nặc mùi mồ hôi trộn với ruột cá. Người nhỏ thó, hắn biết vài chữ tiếng Việt, bước tới gần nâng mặt tôi lên hắn nói, “Thằng này đẹp trai.” Sau khi anh rút dao đâm hắn, cả ba chúng tôi đứng sững không chớp mắt nhìn xuống lưỡi dao nhỏ xíu còn đang nhễu máu. Sau vài giây, hắn phá tan sự im lặng bằng một tiếng thét lanh lảnh, đau đớn. Nhanh như chớp, gã đàn ông nhỏ ấy rút báng súng quất một cú trời giáng vào đầu anh tôi. Thanh âm chát chúa – tôi vẫn còn nghe rõ mồn một. Anh ngã xuống với sức nặng của một xác chết, máu tuôn từ chân mày. Quai hàm và thái dương anh va vào thân tàu, tiếng đập khủng khiếp ấy dội mãi trong đầu tôi.

Tôi sờ lên vết thương, “Anh còn đau không?”

“Hết rồi. Nó còn làm mày đau không?”

Một lần nữa, tôi giả vờ nghĩ đến một câu hỏi mà mình đã biết câu trả lời. Cuối cùng tôi nói, “Còn.” Khi gã đàn ông nhỏ đó ném tôi xuống, đầu tôi đập vào sàn tàu u một cục.

Khi hắn xé toạc áo tôi, những chiếc móng nhọn làm tôi chảy máu. Lúc tôi quay mặt sang một bên và thấy Ba Má đang gào rú, tai tôi như ù đi vì không còn nghe được gì nữa. Ngay cả lúc đang khóc thét tôi cũng không nghe được âm thanh của chính mình dù biết rõ miệng mình đang mở ra khép lại. Thế giới bị câm tiếng từ đó, cũng như mãi mãi về sau, giữa Ba Má và tôi. Không ai hé răng nói thêm một lời về chuyện này. Sự im lặng của Ba Má, và của tôi, là những vết cứa trong lòng không hề dứt. Nhưng điều làm tôi đau đớn hơn hết không phải là chuyện đó, cũng không phải là sức nặng của những tên đàn ông đè lên người. Mà là cái ánh sáng chói loà đã rọi vào mắt tôi đen thẳm, khi tôi ngước mặt lên bầu trời và nhìn thấy đầu ngọn thuốc lá đỏ hồng của Thượng Đế dừng lại chốc lát trước khi dí vào da thịt mình.

oOo

Kể từ đó tôi tránh ban ngày và ánh nắng. Anh cũng nhận ra điều này khi đặt cánh tay tôi cạnh tay anh để chỉ cho thấy da tôi trắng hơn cỡ nào. Hồi nhỏ, những khi phải núp dưới hầm để tránh bom, tụi tôi cũng hay xoè bàn tay ra trước mặt nhau để xem có thấy được nhau trong bóng tối. Cứ mỗi trái bom làm rung rinh mặt đất là bụi và cát theo nhau đổ lên mặt lên mày, chúng tôi phải ra dấu bằng tay như vậy để biết mình vẫn còn nguyên vẹn. Trong ký ức, tiếng rít ghê hồn của những chiếc oanh tạc cơ vẫn làm tôi nổi da gà. Lần đầu tiên nghe thấy âm thanh rùng rợn đó anh rỉ vào tai tôi, đừng có sợ, chỉ là mấy con Phantom ma.

“Anh biết hồi đó em thích nhất cái gì không?” Anh lắc đầu. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế sofa trong phòng làm việc của tôi, tháng 11 dưới đây ấm hơn trên phòng khách. “Sau mỗi đêm bị thả bom như vậy anh em mình lại leo ra ngoài, em nắm tay anh đứng nheo mắt nhìn nắng. Em thích nhất là sau bóng tối và sự trốn tránh là ánh sáng. Sau cơn sấm sét là thinh lặng.”

Anh gật đầu, mắt không chớp, ngồi cuộn mình trên ghế như tôi, đầu gối hai đứa chạm vào nhau. Con két làm tổ trên vai tôi từ ngày anh chìm vào lòng biển tự dưng cựa quậy. Tôi bỗng nghiệm ra, muốn đuổi nó đi chỉ có cách để cho nó nói.

“Giải thích giùm em,” nó hỏi, “tại sao em được sống mà anh phải chết?”

Anh nhìn tôi chằm chằm, bằng cặp mắt không bao giờ khô dù phải mở hoài không chớp. Má đã sai. Anh có thay đổi. Bằng chứng là đôi mắt, bị ngâm muối quá lâu chúng luôn luôn ướt dẫu không nhắm lại được nữa.

“Mày cũng đã chết. Nhưng mày không biết đó thôi.”

Tôi sực nhớ một cuộc nói chuyện với Victor. Một câu hỏi nảy ra trong đầu, cấp bách đến độ tôi phải gọi ông ta lúc mười một giờ đêm, giờ mà tôi biết ông ta vẫn còn thức. “Vâng, tôi tin là có ma,” ông trả lời, không có vẻ gì ngạc nhiên trước câu hỏi. Tôi mường tượng ông đang ngồi thu mình trên chiếc ghế bành, chiếc đầu tóc đỏ gắn trên thân hình trắng sáp, như thể những hồi tưởng về tai nạn thảm khốc cướp mất vợ con đang làm ông bốc lửa. Khi tôi hỏi chính ông có thấy ma bao giờ chưa, ông trả lời, “Lúc nào cũng thấy. Mỗi khi nhắm mắt là vợ con tôi hiện ra như khi còn sống. Khi mở mắt ra tôi có thể thấy họ thoáng qua nơi khoé mắt. Họ di chuyển rất nhanh và biến mất trước khi tôi kịp nhìn rõ. Tôi còn ngửi được họ. Mùi dầu thơm của vợ tôi khi bà ấy lướt ngang qua, mùi thuốc gội đầu của đứa con gái, mùi mồ hôi trong chiếc áo thể thao của thằng con. Tôi còn cảm nhận được họ bằng xúc giác. Đứa con trai hay vuốt tay tôi, vợ tôi thở lên gáy tôi như còn đang trên giường ngủ, cô con gái thì ôm lấy chân tôi. Ta có thể nghe tiếng của ma. Vợ tôi luôn nhắc đừng quên chìa khoá khi rời nhà. Cô con gái nhắc đừng để bánh mì cháy trong máy nướng. Thằng con thì nhắc tôi cào đống lá cho nó nhảy lên. Họ còn hát mừng sinh nhật tôi nữa.”

Sinh nhật của Victor vừa đến hai tuần trước. Giống như tôi tưởng tượng – Victor ngồi một mình trong bóng tối, mắt nhắm, tai lắng nghe tiếng vọng từ những mùa sinh nhật xưa – đó là câu mở đầu cho quyển hồi ký của ông.

“Ông không sợ ma à?” Tôi hỏi.

Trong im lặng, tiếng nhiễu xạ của điện thoại kêu rè rè.

“Không ai sợ điều mình tin cả,” Victor trả lời.

Câu này cũng được tôi cho vào hồi ký, mặc dù lúc đó tôi không hiểu hết ý của ông.

Giờ thì tôi đã hiểu rồi. Tôi gập người lại khóc hả hê, khóc không biết xấu hổ, không biết sợ. Bằng cặp mắt tò mò anh nhìn tôi khóc, khóc cho anh, khóc cho tôi, cho những năm tháng đáng lẽ chúng tôi đã có được với nhau, cho bao nhiêu lời chưa từng được nói giữa tôi và Ba Má. Nhưng trên hết, tôi khóc cho các cô gái bị bắt đi biệt tăm không bao giờ trở lại, trong đó có cả chính mình.

oOo

Vài tháng sau đó cuốn hồi ký của Victor ra đời và bán khá chạy. Giới phê bình dành nhiều lời khen tặng. Tên tôi không xuất hiện bất cứ nơi nào trong sách, nhưng tiếng tăm nhỏ bé của tôi cũng vang thêm được một chút trong cái bóng khuất của giới xuất bản sách. Người agent đại diện gọi điện thoại, cho hay cô ta vừa kiếm được cho tôi một mối mới còn bộn bạc hơn, hồi ký một anh binh sĩ bị mất hai tay hai chân vì tháo gỡ mìn. Nhưng tôi từ chối. Tôi đang bận viết một tác phẩm cho chính mình.

“Chuyện ma hả?” Cô ta hỏi, giọng phấn khích. “Tôi có thể lăng-xê chuyện ma. Ai cũng thích bị nhát.”

Tôi không muốn nói với cô ta là tôi không có ý định làm cho người sống phải khiếp sợ. Không phải ma nào cũng rắp tâm trả thù hay gây rối. Ma của tôi là những vong linh hiền lành ít nói như anh tôi, là các linh khí u uẩn hiện về trong các câu chuyện của Má tôi. Chính Má, chuyên gia về ma, đã báo cho tôi hay là anh sẽ không trở lại. Lúc tôi quay sang bên cạnh để lấy hộp khăn giấy, anh biến mất, để lại một vệt lõm lành lạnh trên sofa. Tôi lên lầu đánh thức Má dậy. Sau khi bắc ấm nước nấu trà, Má ngồi vào bàn nghe tôi kể chuyện anh về. Sau bao nhiêu năm khóc cho đứa con trai, lần này mắt Má ráo hoảnh.

“Con biết nó đi luôn rồi phải không? Nó chỉ về để nói hết những gì nó muốn nói.”

Ấm nước bắt đầu sôi, hơi nước thở phì phì qua cái lỗ mũi sắt.

“Má,” tôi trả lời. “Con chưa nói hết những gì con muốn nói.”

Má tôi, người đã không tránh chú mục vào đứa con gái của bà lúc trên ghe, giờ lại quay đầu nhìn sang hướng khác. Trong số những chuyện ma Má thuộc nằm lòng, có một câu chuyện bà không bao giờ muốn kể, một loại khách bà không bao giờ muốn mời. Nhưng họ đang tựu về trong bếp. Hồn ma của thuyền nhân, của hải tặc, của chiếc ghe lúc nào cũng nhìn chúng tôi bằng cặp mắt không bao giờ khép, và của đứa con gái trong tôi – những hồn ma duy nhất mà Má tôi sợ.

“Kể chuyện nữa đi Má,” tôi nói. “Con đang muốn nghe.”

Y như rằng, Má đào ra chuyện hết sức dễ dàng. “Ngày xưa có một người đàn bà,” Má bắt đầu kể, “yêu chồng tha thiết. Chồng bà là một quân nhân bị mất tích sau một điệp vụ sâu trong lòng địch. Bản báo cáo nói anh ta đã tử trận; bà nhất định không tin. Chiến tranh chấm dứt, bà di cư sang đây và tái giá sau vài chục năm chờ đợi. Bà sống rất hạnh phúc, cho đến một hôm người chồng cũ trở về từ cõi chết, ông ta được thả ra từ một trại tù tối mật sau ba mươi năm khổ ải.” Để chứng minh, Má đưa tôi xem một trang báo cách đây nhiều năm, có hình hai người gặp lại nhau ở phi trường. Họ không nhìn vào mắt nhau. Trông họ rụt rè, ê chề, không thoải mái tự nhiên. Nhiều bạn bè và phóng viên vây quanh, nhưng chẳng ai nhận ra giữa cuộc tái ngộ thê lương này là hai con ma, hai cái bóng hoen ố của những con người đẹp đẽ một thời.

“Mấy chuyện kiểu vầy thiếu gì,” Má vừa nói vừa rót trà vào tách cho tôi. Buổi gọi hồn hôm đó đã thành thông lệ mỗi tối của hai Má con tôi, một bà già và một bà chưa già nhưng cũng sắp già. “Ghi chép làm chi cho mệt vậy?”

“Con không làm thì ai làm?” Tôi trả lời, quyển tập trên đùi, viết mực sẵn sàng.

“Đúng là văn sĩ,” Má lắc đầu, nhưng tôi biết trong bụng bà vui. “Ít ra con không phải đặt điều như mọi khi.”

Những câu chuyện đôi khi đến với tôi như vậy, qua Má. “Để Má kể con nghe chuyện này,” bà vẫn nói, một hay hai ba lần gì đó. Nhưng thường thường là do tôi đi săn lùng những hồn ma. Họ lai vãng trong cõi người ta cũng như ta vãng lai đến thế giới của họ. Là vật thể yếu ớt xanh xao, họ sợ ta hơn ta sợ họ. Cho nên họ khi ẩn khi hiện khó thấy, ta phải bỏ công truy tìm. Trên bàn viết của tôi có một chiếc quần cộc đen cũ mèm và một cái áo thun xám sờn rách nhưng sạch sẽ, thẳng thớm. Chúng là lá bùa nhắc nhở tôi rằng Má nói đúng. Truyện chỉ là hư cấu không hơn kém. Ta đi tìm truyện trong một thế giới song phương, xong bỏ chúng lại đây cho người khác chứng nghiệm, như y phục trút bỏ bởi hồn ma.

.

Ian Bùi dịch từ nguyên tác tiếng Anh, trong Viet Thanh Nguyen, The Refugees (New York City, NY: Grove Press, 2017).
Trích từ: www.tienve.org

__________ 

Viet Thanh Nguyen có tên Việt Nam là Nguyễn Thanh Việt, sinh năm 1971 tại Buôn Ma Thuột, cùng gia đình sang Mỹ định cư năm 1975.

Ông là giáo sư Anh ngữ, sắc tộc và Hoa Kỳ học; là cây bút phê bình uy tín, thường xuất hiện trên New York Times, The Guardian, The Atlantic, Los Angeles Times... Tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên) của ông gây chú ý đặc biệt, thắng giải Pulitzer năm 2016 (hạng mục tác phẩm hư cấu).

Tập tiểu luận Nothing Ever Dies - Vietnam and the Memory of War của ông từng vào chung khảo National Book Award và National Book Critics Circle Award.

Tập truyện Người tị nạn là tác phẩm đầu tiên của Viet Thanh Nguyen được dịch, ấn hành tại Việt Nam (những tác phẩm khác đều đã được Nhã Nam và Phương Nam Book ký hợp đồng bản quyền). Tác giả chia sẻ với phía giữ bản quyền cuốn Người tị nạn tại Việt Nam rằng ông mong sớm có bản dịch tiếng Việt để cha ông có thể đọc nó.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/nhungnguoidanbamatden_ianbui.htm


Cái Đình - 2020