Topa


Thu theo bước về thiên thu.

.

Lời nói đầu:

“Do bởi những sự việc mà nhà cầm quyền Việt Cộng đã hành xử sau khi may mắn chiếm được Miền Nam Việt Nam, thời gian đó người Miền Nam nào cũng muốn bỏ nước ra đi vì quá căm thù nhà cầm quyền Việt Cộng. Công việc đã đưa tôi đến gặp anh Hồng Dương và rồi gần gũi anh một thời gian. Qua anh, tôi được gặp chị Lệ Thu tổng cộng ba lần, chỉ trong hai tháng cuối năm một chín bảy chín tại Saigon. Cả ba lần chị Lệ Thu, anh Hồng Dương và tôi cùng gặp nhau tại ba bữa ăn tối. Tôi muốn ghi lại như là kỷ niệm nhưng, chuyện đã xảy ra quá lâu. Nếu tôi viết theo thể loại hồi ức hay tùy bút, tôi e rằng sẽ không được khách quan, không được trung thực. Do đó tôi viết theo thể loại truyện ngắn.

Vì công việc mà tôi đã không gặp lại chị chỉ trong vài tháng… cho đến những tháng đầu năm một chín tám mươi, tôi được anh Hồng Dương cho biết chị mới rời khỏi tổ quốc Miền Nam thân yêu vì những hận thù, đàn áp bạo tàn và sự xảo trá của người cộng sản Bắc Việt vẫn còn và chưa biết đến khi nào mới chấm dứt. (Trong Wikipedia cho biết chị rời khỏi Việt Nam tháng 11 năm 1979 là hoàn toàn sai.) Tôi nhìn thấy lại chị lần thứ tư nhưng, tôi không đến nói chuyện với chị. Và, bây giờ đây chị đã theo bước… về thiên thu. Viết về những kỷ niệm của tôi với anh vì tôi kính trọng tư cách của anh và cũng là người luôn luôn yêu thương vợ con. Những gì anh nói với tôi, tôi tin anh nói thật. Kỷ niệm với chị tôi có không nhiều. Nhưng, tôi sẽ không bao giờ quên được tiếng cười, nhất là tiếng nói thật nhẹ và sang cả của chị trong lần đầu gặp chị.”

***

Tôi đứng tì tay lên bàn làm như đứng không vững. Thấy vậy Sáu Sạn, xã trưởng xã Phước Hòa tỉnh Bà Rịa, người luôn luôn ngồi cùng một chỗ trên cái ghế có dựa lưng, mặt quay ra đường cái. Sáu Sạn là người khô khan và bản tính hung dữ; nhìn tôi như muốn biết tôi có còn đủ tỉnh táo để chạy xe về Sàigòn hay không. Đây là lần thứ nhất tôi rời khỏi bàn tiệc có mặt Sáu Sạn mà tôi không muốn nói lý do. Tại sao tôi lại phải nói rõ lý do với người mà tôi xem thường. Sáu Sạn lên tiếng hỏi như có vẻ lo lắng cho tôi: “Anh liệu đi được không? Có cần chờ chút cho khoẻ không?” Tôi không muốn Sáu Sạn nghĩ tôi… chạy làng. Mặc dù thức ăn và bia rượu vẫn còn ê hề. Tôi trả lời như người sắp say: “Đi… được mà anh… Sáu. Đang vui… quá mà phải đi… thì phải… chịu vậy… mà. Vài ngày nữa… mình gặp lại nhau nha… anh Sáu.” Nói rồi tôi lên ngồi trên chiếc Honda hai bánh và làm bộ ngã nghiêng một chút rồi rồ máy chạy ra đường theo hướng về Sàigòn. Tôi rời xã Phước Hòa thuộc tỉnh Bà Rịa vào buổi sáng của một ngày cuối tháng mười một năm một chín bảy chín, lúc mười một giờ mười lăm phút.

Tôi phải về Sàigòn sớm để còn sửa soạn cho kịp cuộc hẹn chiều nay với một anh cựu ký giả của nước Việt Nam Cộng Hòa đã bị Việt Cộng chiếm đóng được hơn bốn năm. Tôi chưa gặp anh lần nào, nên cuộc hẹn cần phải đúng giờ. “Những phút giây gặp gỡ buổi ban đầu nếu có được hình ảnh tốt đẹp, nếu gây được tình cảm thật sự với nhau thì những chuyện kế tiếp nhiều phần sẽ được suôn sẻ.” Tôi luôn tâm niệm điều như vậy trong đời sống.

Nếu tôi khởi hành lúc tám chín giờ sáng thì tôi không phải đi cách vội vã và còn phải làm bộ như gần say. Nhưng, cũng vì ông xã trưởng Sáu Sạn nhìn thấy tôi ngồi uống café và ăn sáng, hắn liền sà đến và gợi ý: “Hải sản hôm nay tươi và ngon quá.” Cứ mỗi sáng vào giờ này thì những ghe đánh cá đã trở về và đang xuống hàng ở bến cảng. Tôi biết Sáu Sạn muốn uống bia chứ ăn chỉ là phụ thôi; nên tôi đành phải chìu hắn. Tôi còn nhờ hắn trong bao lâu khi công việc vẫn đang tiếp tục, thì tôi vẫn phải chìu hắn cho vui vẻ cả hai bên.

Bửa ăn cũng có thêm rượu đế cho những người lớn tuổi nói uống bia nặng bụng và thường đi tiểu. Bia và thuốc lá… thì không bao giờ vắng; một điều mặc nhiên phải có mỗi khi cùng nhau ngồi ăn uống… với các viên chức của nhà cầm quyền Việt Cộng ở mọi cấp. Họ uống và nói nhiều hơn ăn. Bửa ăn có thịt cá tôm cua ốc… thịnh soạn nên Sáu Sạn luôn “hồ hởi phấn khởi” và tỏ ra rất thân thiện. Sáu Sạn uống nhiều lắm, dù mới tảng sáng, có khi mới bảy tám giờ sáng hắn đã đòi uống. Có lẽ hắn sống lâu trong rừng nên bị thiếu thốn và bây giờ chiếm được Miền Nam giàu có thì phải hưởng thụ và, thích say... với tiền của người khác. Sáu Sạn khoảng năm mươi, năm mốt tuổi và có dáng người thấp với gương mặt nhẵn nhụi. Mặc dù Sáu Sạn chỉ là xã trưởng nhưng hắn luôn đeo cái “xắc cốt” để tỏ ra là nhân vật quan trọng và có uy quyền. Sáu Sạn giàu nhưng lúc nào cũng làm như không tiền. Sáu Sạn đầy những thủ đoạn ma lanh. Người nào nói hắn giàu là hắn làm bộ ‘nổi máu điên’ lên liền. Phước Hòa có Sáu Sạn, Bà Rịa có Mười Tốt. Cả hai đều quỷ quyệt như nhau. Những người như vậy mà lại có quyền sống sung sướng sao? Sáu Sạn lúc nào cũng cười cợt, mặt mũi lúc nào cũng tươi rói vì mọi thủ đoạn lúc nào cũng suôn sẻ.

Không như một vài người trong nhóm của tôi đã từng đến đây, tôi biết rất nhiều và biết rất rõ về cái xã Phước Hòa này. Một xã chuyên nghề đánh bắt cá. Nhưng, đa số người dân trong xã đã không còn là ‘tai mắt của nhà cầm quyền nữa.’ Nhiều gia đình đã cho con cái và người thân vượt biển. Bây giờ cuộc sống lại khá hơn lên nhờ bán dầu nhớt, bán thực phẩm và bán những chiếc ghe đánh cá dùng cho những chuyến vượt biển. Có người cho rằng, xã Phước Hòa là xã giàu nhất trong các xã lân cận vì địa điểm thuận lợi cho những người muốn bỏ nước ra đi.Tôi không biết đúng hay sai… Tôi có mặt ở xã Phước Hòa lần này là lần thứ tám trong chỉ năm tuần. Cũng nhờ người của xã này mà tôi được quen biết rồi ‘bắt tay vô công việc’với một vị cựu Đại úy Công Binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Qua sự giới thiệu của vị sĩ quan này, tôi sẽ gặp anh ký giả vào buổi chiều tối nay.

Nhiệm vụ của tôi cũng phải làm sao “mua” cái trạm gác tại Long Thành. Chúng tôi cần có người tin tưởng vào đúng ngày giờ quyết định. Vào lúc cao trào của làn sóng vượt biển, trạm Long Thành là trạm rất hắc ám. Có nhiều chuyến đi của những nhóm tổ chức khác đã bị bắt giữ lại tại đây. Trạm Long Thành nằm trên con đường ‘huyết mạch’ dẫn đến tận Vũng Tàu nhưng, dọc đường có nhiều xã là những địa điểm thuận lợi cho những người chán ghét chế độ độc tài nên phải ra đi trước khi không còn một thứ gì khả dĩ bán được để mua gạo bỏ vô dạ dầy.

Tôi nghĩ, trạm gác ở đây khó mà làm quen được nếu như tôi không gặp một sự may mắn bất chợt đến.Tôi phải viết ra đây một điều may mắn mà tôi cho là có sự giúp đỡ của đấng tối cao đầy quyền năng. Một sĩ quan Việt Cộng làm việc ở Saigon nhưng lại rất nổi tiếng ở Long Thành. Đó là người đàn ông có dáng người cao lớn vẻ cường tráng với nước da sạm đen. Tôi thú thật là, thoạt đầu nhìn thấy hắn với dáng bộ dữ tợn của người lính Việt Cộng đang chiếm đóng Saigon; làm tôi thật sự lo lắng. Nhưng, vì đã được giới thiệu trước nên tôi cũng có một chút yên tâm. Viên sĩ quan Việt Cộng này đang giữ chức Trưởng Ban Quân báo của Quận Ba thành phố Saigon đã đổi tên. Tên của hắn là Sáu Giàu. Hắn tên Giàu nhưng hiện tại lại rất nghèo. Vì hắn nghèo nên tôi mới được gặp hắn. Sau mấy năm chiếm đóng Saigon, chiếm đóng Miền Nam Việt Nam, đa số các cán binh Việt Cộng đã được “sáng mắt sáng lòng” vì đã nghe và tin những lời tuyên truyền láo khoét của đảng.

Tôi hỏi Sáu Giàu sẽ làm được những gì. Hắn chưa trả lời tôi vội mà lấy từ trong túi gói thuốc lá hiệu Samit ra và mời tôi. Sau khi hút hơi thuốc đầu, hắn chậm rãi nói mà hai con mắt cứ nhìn ngay tôi với vẻ như muốn tôi hãy tin lời hắn. “Tôi làm được rất nhiều chuyện mà có thể anh sẽ rất cần.” Đó là những lời đầu tiên tôi nghe hắn nói. Sau khi uống tiếp ngụm café, hắn nói tiếp: “Người nào bị bắt tại tất cả các quận trong thành phố tôi đều lãnh ra cách dễ dàng. miễn là đừng phạm tội phục quốc. Anh muốn mua máy ghe từ một lốc đến bốn năm lốc tôi cũng sẽ giới thiệu được cho anh mua tại các cơ quan mà tôi có liên hệ chứ không phải qua trung gian. Đó là tôi nói thật chứ không có chuyện gài bẫy gì cả. Tôi sẵn sàng giúp anh vì tôi đang cần tiền. Để làm tin, tôi mời anh tối nay đến nhà tôi… anh sẽ rõ.” Ngay tối hôm đó tôi đến nhà Sáu Giàu. Sáu Giàu là đàn em của tên Đại tá Trưởng Quân báo thuộc Quân khu Bảy. Từ thị trấn Long Thành trở ra Bà Rịa, Sáu Giàu rất nổi tiếng vì: “Khoảng một năm trước, có một nhóm ba người do một tên Chuẩn úy thuộc an ninh thành phố Hồ Chí Minh cầm đầu định vượt biên và mang vũ khí theo. Tên Chuẩn úy đó bị đồng bọn tố cáo. Tôi được lệnh đi bắt nó. Tin tức cho biết nó đang trốn tại một căn nhà trong vườn trái cây tại Long Thành để chờ ngày lên đường. Khi chúng tôi đến nơi, tôi không ngờ khu vườn trái cây đó quá rộng lớn, thế là tôi được công an tại đó hiệp lực cùng hành động. Tôi ra lệnh cho lính không được giết tên Chuẩn úy mà phải bắt sống. Không ngờ nó manh động chống cự dữ dội. Thế là tôi cho lịnh bắn què chân nó mới bắt được.”

Ngay tối hôm đó tôi đã tặng Sáu Giàu một số tiền mặt tương đương với một cây vàng. Sau đó một ngày vào buổi sớm mai, tôi và Sáu Giàu đi đến xã Phước Hòa. Sáu Giàu mặc quân phục, đeo lon và đeo cây súng ngắn trước ngực trông oai phong và ngầu vô cùng. Tôi phải công nhận là, khi Sáu Giàu làm mặt ngầu thì… quá xá ngầu. Đến Phước Hòa Sáu Giàu ngồi uống nước trong cái quán bên đường chờ tôi. Tôi đi vô xã một mình để tìm ‘những thứ mình cần tìm.’ Tôi chưa tìm gặp được gì thì… gặp Sáu Sạn. Tên xã trưởng ra oai la hét lính để uy hiếp tôi. Nhưng, tôi nói tôi đang đi công tác với Thủ trưởng. Ông Thủ trưởng đang ngồi uống nước ngoài quán. “Tôi yêu cầu đồng chí cho mời Thủ trưỡng của tôi đến đây thì sẽ rõ.” Sáu Sạn đâu dám hỏi tôi đi công tác gì. Mà có hỏi tôi cũng không nói vì là… bí mật. Sáu Giàu đã dặn tôi như vậy nếu như gặp “sự cố.” Khi thấy Sáu Giàu xuất hiện thì Sáu Sạn… co vòi lại ngay. Hắn dù có hung dữ cỡ nào cũng phải biết… lễ độ với tôi từ ngay buổi gặp hôm đó. Chiều hôm đó trên đường trở về lại Saigon, Sáu Giàu ghé đồn công an Long Thành để thăm các đồng chí của anh, và, cũng là để họ nhìn thấy mặt tôi. Từ đó mỗi lần tôi đi Phước Hòa thì Sáu Giàu luôn “đóng bộ” như ngày đầu. Trạm kiểm soát Long Thành nhìn thấy Sáu Giàu chạy xe ngang qua là đưa tay lên chào kính rất lễ độ. Từ những lần đi như vậy, tên Hùng của tôi mới được các anh em ở Saigon biết đến. Tên Hùng là tên do Sáu Giàu đặt cho tôi và hắn cũng làm cho tôi cái thẻ chứng minh tôi là Quân báo viên. Tôi chỉ được sử dụng trong những lúc đi công việc với hắn.

Người tôi sẽ gặp chiều nay là một trong những các anh em đó.

Trong Chợ Lớn có một nhà hàng nhỏ chỉ đặt năm cái bàn tròn lớn, hai cái bàn hình chữ nhật, và một cái bàn tròn nhỏ. Vị chi nhà hàng chỉ chứa được khoảng sáu mươi lăm khách ăn thôi. Nhà hàng không có bảng hiệu nhưng khách thì luôn đông. Dĩ nhiên khách chỉ toàn là người Tàu. Nhà hàng này nổi tiếng với món vịt ép khô chiên giòn ăn với bánh bao không nhân. Nhà hàng chỉ bán một món đó thôi.

Tôi đến nơi hẹn đúng giờ. Anh Hồng Dương và tôi hẹn gặp nhau chiều nay, tại đây. Ngồi ở đây, tôi nghĩ, chúng tôi được an toàn. Tôi chưa biết mặt anh Hồng Dương, nhưng khi vừa bước chân qua khỏi cửa nhà hàng tôi thấy một người đàn ông Bắc kỳ đứng lên. Tôi biết ngay đó là anh Hồng Dương. Anh nở nụ cười tươi đón tôi. Nhìn anh thật nhanh để thấy anh là dân Bắc kỳ chính cống một trăm phần một trăm và rất đẹp trai. Đây là con người cao ráo không mập không ốm và có nụ cười rất hiền. Một người rất dễ gây được cảm tình ngay trong lần đầu gặp gỡ. Anh mời tôi ngồi vô cái ghế đối diện cái ghế anh đang ngồi. Chúng tôi ngồi ở cái bàn tròn nhỏ và lưng tôi quay ra cửa. Bên cạnh anh ngồi có một cái ghế trống….

Anh Hồng Dương trẻ quá. Trẻ rất nhiều so với tuổi trên năm mươi. Anh không có một dấu hiệu nào của sự thiếu kém nhanh nhẹn. Trên năm mươi tuổi mà da dẻ tươi tốt hồng hào. Da mặt của anh căng láng đến không thấy có vết nhăn. Một người như vậy mà lớn hơn tôi đến gần hai con giáp. Nói cho đúng thì anh hơn tôi hai mươi hai tuổi. Anh đẹp trai đến nỗi tôi tưởng anh lai Tây. Anh mở lời trước: “Tụi mình uống lai rai chờ bà xã tôi đến rồi cùng ăn nhé? Hay… anh muốn…” Tôi nói để anh đừng bận tâm: “Tôi cũng mới ăn chút ít trên đường từ Phước Hòa về đây nên không đói anh à.” Vì thấy nhà hàng tọa lạc trên con đường nhỏ trong khu đông dân cư chứ không phải ở mặt tiền đường lớn, nên tôi hỏi: “Sao anh biết nhà hàng này hay vậy?” – “Thì cũng nhờ bạn bè đưa đến đây ăn mới biết.” Tôi nhìn cái ghế trống đặt bên cạnh anh. Thì ra cái ghế đó là để cho bà xã của anh sẽ đến trong chốc lát. Tôi không để ý đến chuyện tại sao bà xã anh có mặt trong bữa ăn này. Vì anh và tôi mới gặp nhau lần đầu nên câu chuyện chỉ quanh quẩn những câu hỏi thăm và công việc làm trước kia của cả hai. Tôi nói thật nhưng cũng là cho có nói: “Ký giả thì nhiều mà mỗi khi đọc báo tôi rất ít để ý đến tên tác giả nên… không biết tên anh.” - Anh cười hiền: “Đa số những người đọc đều như vậy anh Hùng à. Vì trong nghề nên tôi mới nhìn đến tên tác giả. Nếu không thì… tôi cũng như anh vậy thôi.” Anh Hồng Dương có giọng nói thật nhẹ. Anh gọi tôi là anh… thì cũng chẳng phải tôi là anh của anh, nên anh và tôi cứ anh anh tôi tôi trong khoảng chừng mười mười lăm phút thì, anh Hồng Dương nhìn ra cửa và nói với nét mặt lộ lên sự mừng vui: “Thu đến…”. Theo phản ứng tự nhiên, tôi quay mặt nhìn lại phía sau lưng. Thấy anh đứng lên nên tôi cũng đứng theo. Người mà anh chỉ nói hai chữ, Thu đến, rồi ngưng lại… Có lẽ anh nghĩ tôi biết mặt chị vì là người nổi tiếng. Thật ra thì tôi chưa bao giờ đi nghe nhạc phòng trà hay đại nhạc hội, chỉ vì tôi không có phương tiện chứ thanh niên mới lớn ai mà không muốn vui. Trong giây phút bất chợt ấy, tôi thấy đó là người đàn bà rất đẹp trong bộ đồ đầm màu đỏ tím rất là sang trọng. Trong Chợ Lớn, đặc biệt là trong các nhà hàng, các khách nữ vẫn ăn diện thật đẹp, nhưng mặc những kiểu áo quần sang trọng như chị thì ít. Tối hôm nay có một người đàn bà ăn diện đẹp và sang vừa xuất hiện trước mặt, làm cho tôi nhớ lại khung cảnh của nhà hàng Đồng Khánh ngày trước mà tôi có một lần đến dự tiệc tại đó. Tôi ngờ ngợ bà xã của anh Hồng Dương là người mà tôi đã nhìn thấy hình ảnh trên các báo hay những tờ quảng cáo. Tôi quay mặt lại nhìn anh như muốn hỏi anh có phải người mà anh gọi là bà xã chính là… Anh lại hiểu lầm tưởng tôi sao để đàn bà đến đây thì làm sao nói chuyện được. Anh nói như phân trần về sự có mặt của vợ anh.“Bà xã tôi đi công chuyện cũng gần đây. Nhân dịp tôi nói bà ghé qua đây ăn cho biết món độc đáo này.” Lúc này thì chị Thu đã đi đến bên anh và miệng thì cười tươi như hoa nở. Chị Thu gật đầu chào tôi. Anh giới thiệu tôi với chị Thu: “Anh Hùng. Đây là Thu. Bà xã của tôi” Chị Thu và tôi bắt tay nhau. Một mùi thơm của nước hoa tỏa ra khi tôi đưa bàn tay vừa bắt tay chị lên vuốt lại tóc cho ngay ngắn. Dù sao thì trước một người đàn bà đẹp, sang trọng trong một buổi chiều gặp gỡ nhau lần đầu, tôi không thể… sao cũng được như mọi ngày. Chị sang trọng và quý phái đến bàn tay của chị cũng có nước hoa, mặc dầu hiện tại đa số người vẫn phải ăn độn và phải lao động chùa, tức là lao động không lương và được gọi cách đểu cáng là, lao động xã hội chủ nghĩa. Cũng như anh Hồng Dương, chị lịch sự gọi tôi là anh và xưng tôi. Chị Thu đẹp, trẻ và quý phái. Người chị thon nhỏ và cử chỉ thì rất khoan thai. Đặc biệt là giọng Bắc của chị sang cả vô cùng.

Chỉ từ khi những người Miền Bắc đến chiếm đóng Saigon thì người Miền Nam mới để ý đến những nét “tinh hoa” của người Bắc di cư mà đem ra so sánh. Người phụ nữ Bắc kỳ trước một chín bảy lăm vừa tế nhị lịch sự vừa ăn nói nhẹ nhàng cứ như là… tiếng thì thầm bên tai vậy. Tiếng Bắc của anh Hồng Dương và chị là thứ tiếng Bắc sang trọng so với thứ tiếng Bắc mà tôi, và đồng bào Saigon bị bắt buộc phải nghe từ các nam nữ xướng ngôn viên, cũng như những nam nữ ca sĩ của Bắc Cộng nói và hát ra rả trên truyền hình cứ như là… người ngoại quốc nói tiếng Việt. Họ nói thật nhanh như sợ người khác nói vô, và giọng lờ lợ nên nhiều lúc người Miền Nam chẳng hiểu họ nói gì. Còn hát thì cứ eo eó đến nhức cả óc… Có người còn có giọng chua như dấm và chát như chuối xanh, vậy mà cũng được lên truyền hình nói và hát thì… thật tội nghiệp cho những người bị mất nước.

Chị ăn thật ngon miệng và khen hoài món vịt ép khô chiên giòn… đặc biệt. Chị không uống bia. Chị uống nước cam vắt và chị dặn đi dặn lại là, “Nhớ đừng cho đường vào nhé.” Anh Hồng Dương tỏ ra thương yêu chị bằng hành động tiếp thức ăn liền tay. Nhìn anh chị ăn và nói chuyện, tôi cứ tưởng như đôi trai gái vừa mới quen nhau. Chị luôn mỉm cười. Đó hẳn là những giây phút chị thấy vô cùng hạnh phúc? Lúc này anh và tôi đã trở nên thông cảm nhau hơn. Khi ăn xong món trái cây, chị Thu xin phép rút lui để về trước. Chị Thu đi rồi anh và tôi nói chuyện nhiều đến hơn chín giờ thì anh và tôi đến quán café Từ Dung trên đường Trần Quang Khải gặp anh em trong nhóm. Tôi đến quán café Từ Dung lần này là lần đầu, để rồi sau đó tôi cũng là khách thường xuyên của quán. Tại quán café Từ Dung, anh Hồng Dương tâm sự “… Đi nhiều lần rồi mà cứ bị mất tiền hoài nên tôi muốn phải chính mình làm mới mong lo được cho vợ con… và bạn bè.”

Năm giờ chiều ngày hôm sau, tôi đến trước ngồi chờ mấy anh trong nhà hàng vùng Chợ Lớn. Hơn năm giờ anh T. Nguyên ghé qua gặp tôi và thông báo là, anh và Sáu Giàu sẽ đến khoảng hơn tám giờ vì có một chiếc ghe sẽ vô bến tối nay. Gần sáu giờ anh Hồng Dương lái chiếc Honda dame chở chị Thu đến. Và, anh Hồng Dương vô gặp tôi còn chị Thu sẽ lái xe về. Nghe anh Hồng Dương nói vậy, tôi chạy thật nhanh ra và khẩn khoản mời chị vô ngồi một chút và nói rõ là, các anh kia hai tiếng nữa mới đến. Có lẽ vì đã biết tôi từ ngày hôm qua, nên chị không nỡ từ chối? Chúng tôi ăn những món ăn nhẹ vì chị nói mới ăn lúc ba giờ chiều. Khoảng tám giờ hơn thì hai anh trong nhóm đến. Chị Thu đứng lên chào mọi người và ra về.

Cũng ngay tối hôm đó, nhiệm vụ được phân như sau: Anh Hồng Dương sẽ chuyên trách ngoại giao với khách. Điều này rất đúng và rất hợp vì anh có uy tín bởi tiếng tăm từng là ký giả. Anh Nguyên – Đại úy Công Binh – lo “cá lớn” và cả “cá bé”. Điều này cũng rất hợp với anh Nguyên. Sau khi ghe đánh cá từ các nơi đưa về bến bên Phạm Thế Hiển, Anh Nguyên sẽ chỉ huy thợ làm cho các ghe đó trở nên an toàn để vượt đại dương. Anh Sáu Giàu Quân Báo lo an ninh trên đoạn đường từ Saigon ra Phước Hòa cũng như cầm theo những món đồ dùng đi biển. Công của anh Sáu Giàu mỗi chuyến được ba cây vàng và được gởi theo một người khách. Trách nhiệm của Sáu Giàu thì khỏi nói vì đó là ‘nghề của chàng’. Phẩn tôi thì ngoại giao với nhà cầm quyền tại địa phương cho những chuyến đi. Lúc đầu tôi còn hơi do dự. Nhưng, các anh nói: “Hùng đã chứng tỏ khả năng khi một mình xâm nhập tử địa Phước Hòa mà đến Sáu Sạn còn phải nghe.” Cần phải nói rằng, trái với những lo sợ vì rủi ro, tôi chưa bao giờ nghi ngờ về khả năng của mình. Tôi chỉ cần bề ngoài của mình sao cho tươm tất. Và, sự may mắn nữa thì không có gì mà không thành công. Tôi gặp may mắn nhiều nên đã hoàn thành công việc mà các anh đã tin tưởng và giao cho tôi. Sáu Giàu muốn chỉ tôi cách sử dụng cây súng ngắn của hắn để những khi hữu sự thì ra oai chứ không phải để giết người. Tôi không thích vũ khí nên cứ hẹn lần hẹn lữa và cuối cùng… cũng chẳng biết sử dụng cây súng như thế nào; mặc dù tôi đã nhiều lần đeo cây súng trước ngực giống như Sáu Giàu để kiểm phiếu khách đi… trong khi Sáu Giàu ngủ qua đêm trong xã Phước Hòa chờ tôi.

Một tối vào khoảng tháng năm tháng sáu năm một chín tám mươi, Anh Hồng Dương và tôi gặp lại nhau tại quán café Từ Dung. Một điều cũng cần nói ra đây là, có người bạn sau này nói cho tôi biết chị Thu có mở quán bán café. Nhưng, tôi chưa bao giờ nghe các anh trong nhóm nói về quán café này. Chúng tôi rất thường gặp nhau tại quán café Từ Dung.

Anh Hồng Dương ngập ngừng một chút rồi nói thật nhỏ cho tôi nghe. Anh nói nhỏ không phải vì sợ người khác nghe mà, theo tôi vì anh tự thấy khó khi nói ra điều mà, theo lẽ ra anh đã nói với tôi từ trước. Anh nói: “Thu đi… rồi.” Tôi hơi ngạc nhiên. Và, theo lẽ tôi phải mừng chứ không nên tỏ thái độ giận. Nhưng, hôm đó tôi giận anh nhiều lắm. Tôi giận vì tôi thường hỏi thăm chị. Chị Thu và tôi không còn xa lạ gì. Anh và chị Thu đã cùng tôi ăn vịt ép khô chiên giòn với bánh bao lần thứ hai trước Tết Nguyên đán. Lần thứ hai tôi nghĩ, chị Thu đã xem tôi như người em vì, chị có hứa vui: “Cả ba anh em mình sẽ gặp lại nhau bên Mỹ nhé…. Luôn nhớ về nhau nhé.” Vậy mà… Thấy tôi tỏ thái độ không vui, snh nói: “Sáng ngày mai lúc tám giờ tôi hẹn anh Hùng tại quán phở… sau đó anh em mình sẽ nói chuyện nhiều.”

Quán phở tên gì tôi không còn nhớ. Nhưng, tôi nhớ quán phở nằm cùng một đường với phở Quyền. Phở Quyền tọa lạc gần ngã tư Phú Nhuận. Cách phở Quyền chừng… hơn cây số hướng về Lăng Cha Cả… là quán phở mà Anh Hồng Dương hẹn tôi. Tại sao Anh lại hẹn tôi tại quán phở mà không ở một nơi nào khác? Thì ra… Trong khi ăn, Anh chỉ cho tôi thấy một cô bé, con của chủ quán, tuổi chỉ đáng con của anh, nhưng lại: “Mê và yêu tôi như điếu đổ.” Anh đã nói như vậy. Tại sao anh lại hẹn tôi đến đây rồi nói về cô bé đó. Chắc chắn phải có lý do mà hiện tại anh chưa nói được.

Trong một xã hội ‘bề bộn’ với những lo toan cho cuộc sống và lo sợ những con người mới chẳng ra con người. Những con người mà mặt cứ vênh váo lên như trên thế gian này chỉ mình ta là trên hết. Hễ mở miệng ra là sẵn sàng… ‘địt’ không cần biết người đối diện tuổi đáng cha đáng chú của mình… thì việc một cô gái còn quá trẻ mà yêu anh cựu ký giả lớn tuổi nhưng đẹp trai và lão luyện về tình yêu cũng như về tiếng tăm thì… theo tôi là chuyện rất bình thường sau cái ngày oan nghiệt đổ xuống Miền Nam. Điều đáng nói là, anh sẽ cư xử ra sao khi gặp lại người đàn bà đẹp, sang trọng mới vừa rời xa anh chưa được bao lâu? Anh nói tiếp khi anh và tôi được cô bé đem ra hai ly café: “Sẵn có chuyến đi của một người bạn rất thân nên tôi gởi Thu và con theo. Gấp quá và cũng không biết… như thế nào nên không báo cho anh em biết.” Nghe anh nói với vẻ rất “thành khẩn” nên tôi cũng thông cảm. “Tôi thấy chuyện cũng chẳng có gì là quan trọng cả anh à. Khi nào chị đến nơi an toàn anh nhớ tin cho tôi biết nhé.” Anh vui liền và luôn miệng nói “Dĩ Nhiên. Dĩ nhiên. Dĩ nhiên người đầu tiên biết tin phải là anh Hùng mà.”

Cuộc tình của anh với cô bé đó diễn tiến ra sao thì tôi không để ý đến. Cho đến khi anh em biết tôi sẽ ra đi trong chuyến tới thì anh nhờ tôi một việc mà, bây giờ tôi mới hiểu ra, tại sao anh mời tôi đến quán phở... Anh nói: “Anh Hùng đi anh cho tôi gửi theo anh hai người. Người thứ nhất là Anh Hoàng Hải Thủy, là nhà văn. Người thứ hai là “con bé Quỳnh” – “Quỳnh nào? Tôi hỏi. “Thì… con bé của tiệm phở…” - “Sao Anh không để cô bé đó đi chung với anh?” - “Có mà chết với bà ấy. Vả lại… làm sao được khi tuổi tác chênh lệch quá nhiều.” Tôi tin những lời anh nói là những lời thành thật như anh chưa bao giờ dối gạt tôi. Anh là người đàn ông thông minh nên nghĩ hậu quả sẽ đến như thế nào nếu anh cứ nhắm mắt lao vô một cuộc tình mà đoạn kết sẽ vô cùng thê thảm… cho anh. Anh là người có trách nhiệm và thương yêu vợ vì anh luôn nhắc nhớ đến những đứa con và, đứa con đã có với chị Thu.

***

Chuyến đi của tôi đã không đem theo được hai người mà anh nhờ tôi. Cũng là điều may mắn cho cô bé Quỳnh. Vì… chuyến đi thê thảm lắm. Tôi chưa từng chứng kiến cảnh hãm hiếp công khai và man rợ đến như thế… Rồi tôi đến định cư ở Hòa Lan với những công việc phải làm lúc ban đầu. Tôi không có địa chỉ của những người quen để liên lạc… Mãi đến thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi tôi mới biết tin anh Hồng Dương qua ‘Tủ Sách Tiếng Quê Hương’ của nhà văn Uyên Thao. Tôi gởi thư qua bưu điện mời anh và chị Thu qua Hòa Lan chơi và cũng là để gặp lại nhau như có lần chị Thu nói. Anh Hồng Dương nhận được thư tôi nhưng không trả lời. Tôi không có địa chỉ e-mail của anh nên phải gởi thư qua đường bưu điện. Đến cái thư thứ ba thì anh viết: “… Thu và tôi đã xa nhau đã ly dị rồi. Tôi đã giải bày cặn kẽ nhưng bà ấy không tin và không chấp nhận. Bà ấy cố chấp quá…”

Một lần nữa tôi lại tin những lời anh thật một trăm phần một trăm. Những tờ báo trong nước, vốn là như những ‘con vẹt’ thì viết, anh lấy vợ ở Việt Nam rồi ly dị chị. Tôi buồn cho anh và tôi tiếc cho chị nhiều lắm.

Một lần kia chị Thu qua Hòa Lan trình diễn. Tôi đã đi tham dự chương trình văn nghệ đó với ý định sẽ gặp chị. Tối hôm đó, tôi ngồi cách chị không xa. Nhưng, tôi đã không đến gặp chị như ý định. Nhìn chị bước lên sân khấu mà tôi thương tôi tiếc cho cuộc tình của anh và chị quá. Liệu tôi sẽ làm được gì để hàn gắn một cuộc tình mà tôi rất ngưỡng mộ? Người đàn bà một khi đã quyết định một điều gì quan trọng thì khó mà lay chuyển được tâm tư của người đó. Trong cuộc đời của tôi, tôi chỉ thấy có một đôi vợ chồng người Việt Nam mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Trai đã có tài mà cũng có sắc nữa. Gái đã có sắc mà cũng có tài nữa thì… trên đời này có bao nhiêu cặp vợ chồng Việt Nam được Thượng Đế ưu ái kết hợp như vậy? Trong nước bây giờ cũng có nhiều cặp vợ chồng được như vậy. Nhưng, tôi quả quyết sự thành thật của cả hai sẽ không thể có được như anh và chị. Sống trong một xã hội mà sự dối trá đã hoàn toàn lên ngôi cao tuyệt đỉnh; dối trá từ bên trong đến bên ngoài con người và chỉ biết hưởng thụ thì, một trong hai người thử gặp sự khó khăn như anh và chị thì sẽ biết ngay. Báo chí vẫn đưa những tin tức như vậy mà. Những người nổi tiếng thường hay thích thay đổi cho cuộc sống thêm phần hấp dẫn. Một ngày nào đó khi hình dáng và sắc đẹp tàn phai, bị đối tượng mình yêu ghẻ lạnh… thì mới thấy quan tài và đổ lệ.

Thời gian cứ dần trôi cho đến một ngày kia tôi biết tin anh Hồng Dương bệnh nặng rồi qua đời. Đời người rồi ai cũng sẽ qua đi. Khi còn trên thế gian này có lẽ anh vẫn nghĩ cuộc hôn nhân của anh và chị sẽ luôn tốt đẹp, nếu như chị đừng quá cố chấp.

Một người bạn của tôi là người thân của anh Nguyên – người trong nhóm năm xưa – đã viết cho tôi: “Tôi chỉ có dịp gặp "cá nhân" chị Lệ Thu vài lần ngắn ngủi, và cảm nhận ngay chị là người cứng rắn, nhưng cũng như chị Khánh Ly, chị dám sống hết mình, bất chấp mọi chuyện.” Anh Hồng Dương mất tôi buồn chỉ năm phút. Nhưng, khi biết tin chị bị nhiễm dịch bệnh tôi đã vô cùng lo lắng và cầu xin cho chị sẽ qua khỏi. Triệu triệu người Việt Nam yêu chị và yêu tiếng hát của chị. Tiếng hát nếu ‘tắt’ đi sẽ không có tiếng thứ hai để thay thế.

Tin chị mất đã làm cho tôi bàng hoàng đến ngồi yên không động đậy được. Bây giờ tôi tiếc là năm xưa sao tôi không đến gặp chị khi khoảng cách giữa chị và tôi không bao xa. Gặp thôi cũng là điều mừng lắm mà. Người cũ mà mình thương mình quý bao giờ cũng đáng trân quý.

Chị đã vĩnh viễn rời xa thế gian rời xa hằng triệu triệu người thương yêu chị. Tôi sẽ nhớ mãi buổi chiều hôm nào có anh có chị với những tiếng cười rộn rã và với món vịt ép khô chiên giòn ăn với bánh bao tuyệt ngon mà chị khen hoài.

Thu đến Thu đi... những lời anh Hồng Duơng đã nói hôm nào làm sao tôi quên được. Giờ đây thì chị Thu theo bước về thiên thu!

Nếu tôi định cư tại Mỹ thì có lẽ tôi sẽ được gặp cả hai người và, tôi sẽ hiểu rõ mọi chuyện chính xác.

Chắc chắn giờ đây chị đã hiểu anh Hồng Dương thành thật hay giả dối. Anh Hồng Dương đáng yêu hay đáng trách.

Vĩnh biệt chị Thu! Cầu xin chị được bình yên an giấc ngàn thu. Chị Thu nhé!

.

Topa (Hòa Lan)

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/thutheobuocve.htm


Cái Đình - 2021