Nguyễn Lê Hồng Hưng


Những miếng tồi tàn

Tôi chưa từng thấy trên thế giới nầy có đầu nậu phân phối thực phẩm nào bất lương như đầu nậu ở Algeciras, Tây Ban Nha. Một thùng bôm, một thùng cam họ tráng trên mặt những trái tươi, phần dưới đáy toàn ủng. Có lẽ họ lấy thịt của mấy con toros trong trường đấu ra hay sao mà thịt bò dai nhách. Còn heo mỡ nhiều hơn thịt. Cá toàn khúc đuôi. Gà da bầm tím thịt bủng xì bủng xịt, phải xát muối, gia vị cho nhiều để bán bớt mùi hôi rồi đem chiên thiệt vàng mới ăn được. Trứng gà dập và ung đến gần phân nửa.
Đúng ra, theo nguyên tắc đầu bếp phải kiểm hàng trước khi ký nhận. Nhưng ông đầu bếp trước đã hải hành đúng kỳ mà hãng không cho người xuống thay. Ông nổi khùng đến nỗi bà vợ phải bay từ Hòa Lan qua Gia Nã Đại thăm. Khi bà xuống tàu, ông đâm ra chán nản, không muốn làm việc nữa. Tới phiên tôi đổi xuống, thấy đồ đạc ông vứt ngổn ngang. Nệm, ra dơ không giặt, phòng không lau chùi, thùng rác đầy nhóc vỏ bia. Kho chứa lương thực thì lộn xộn không thứ tự gì hết, đồ khô ông nhét vô phòng đông đá, có vài món cần đông đá ông nhét vô tủ lạnh. Không biết ông đặt hàng làm sao mà chỉ có ba chục ký lô gà, mười lăm ký cá, ba chục ký heo, trong khi thịt bò ông dến đến một trăm năm chục ký. Nhưng được cái là khoai tây, đồ khô và rau cải đông đá đủ ăn trong ba tháng.
– Thằng đầu bếp trước khùng dữ lắm.
Tôi day lại, thấy ông thủy thủ người Tây Ban Nha đứng bên cạnh mặt nhăn nhó ra vẻ khó chịu. Tôi cười, nói:
– Dĩ nhiên, ở trên tàu lâu ngày ai mà không vậy.
Ông cãi:
– Nhưng tao hải hành có khi cả năm mà tao đâu có khùng.
Tôi nhìn chót mũi đỏ giống trái cà chua, miệng tái ngắt như cái âm hộ nằm ngang giữa chùm râu quai nón xồm xoàm. Mặt mày không mấy sáng sủa. Mới ngoài năm mươi mà dường như ông đã lẫn, ăn nói lộn tùng phèo, hay bắt nạt những người mới và nói chuyện đâm thọc sau lưng người ta. Tôi định nói xỏ vài câu cho ông thấm thía sự đời, nhưng thấy chuyện hổng đáng nên bỏ đi làm công việc của mình.

……

Tàu rời Algeciras, vượt Đại Tây Dương sang châu Mỹ mất hơn tháng trời. Bây giờ đang trên đường trở về Âu châu...
Lương thực cạn dần, thịt đông lạnh chỉ còn mỗi một thứ là thịt bò. Hôm ghé Baltimore, tôi với ông thuyền trưởng có lên chợ mua thêm thức ăn, nhưng thấy ở Mỹ thứ gì cũng bự, ông chê không mua. Cuối cùng hai thầy trò mua được chỉ có hai thùng rau, ba vỉ trứng. Tôi đề nghị ông mua thêm ít thịt heo, thịt gà và dăm bông. Ông không chịu, biểu tôi ghi đơn đặt hàng để ông fax về Hòa Lan, mua một lần vừa rẻ vừa đủ phẩm chất. Ông nói:
– Trên tàu còn thứ gì thì ăn thứ đó, hễ tên nào ọ ẹ thì cứ việc lên nói với tao.
Để làm gương cho thủy thủ, mỗi bữa ăn ông ăn rất ít rồi ngồi ngó từng người. Tên nào ăn nhiều quá ông lưu ý bằng cách đếm từng miếng dăm bông, phó mát và từng lát bánh mì. Người nào cũng khó chịu vì cái tánh keo kiệt của ông, nhưng không ai dám nói. Trên tàu thuyền trưởng là cha mẹ mà!
Quy chế ăn uống mỗi thủy thủ chỉ được có mười đồng một ngày, đó là cho bữa ăn bình thường. Đã là thủy thủ thì ai cũng biết, tàu hải hành lâu ngày thì rau tươi hết, đầu bếp phải dùng rau hộp, rau đông đá. Hơn nữa ăn uống kham khổ trên những hải trình dài đối với thủy thủ là chuyện thường. Ông thuyền trưởng tuy keo kiệt có hơi quá, nhưng ông không làm vậy thì khó mà trị nổi cái đám thủy thủ tạp nhạp. Ý vậy khi nhu cầu trên tàu bị giảm bớt, lương thực sắp cạn mới thấy cá tánh của từng người lộ ra. Nhứt là những ngày sóng to gió lớn, người nào không say sóng thì cũng ương ương khó chịu như đàn bà ốm nghén.
– Xếp, hôm nay cho ăn món gì đó?
Ngày nào đầu bếp cũng nghe câu hỏi y chang. Người hỏi hay chờ câu trả lời đúng như ý mình ưa thích. Tuy nhiên thực đơn của đầu bếp ít khi vừa miệng cho tất cả mọi người. Nấu nướng khó khăn nhứt trong những lúc nầy. Họ cũng thừa biết mấy tuần qua trong tàu chẳng còn cao lương mỹ vị nào hết, nhưng hỏi để tỏ thái độ bất bình với đầu bếp chơi vậy thôi. Không muốn cãi cọ lôi thôi, tôi tìm cách giã lã với họ:
– Tui cho ăn thịt bò, từ đây về lại Âu châu các anh sẽ mọc sừng. Mùa xuân ở Tây Ban Nha có đấu toros, các anh có thể qua đó thi tài.
Câu khôi hài của tôi cũng có duyên lắm chớ, vậy mà không làm ai cười được hết. Trái lại có anh mặt dài ra và chưởi tục nữa.
Hồi còn phụ bếp, tôi thấy rất nhiều đầu bếp khó tánh, thủy thủ nào lỡ hỗn láo, mấy ông liền nổi tam bành lục tặc, chửi thề ỏm tỏi. Vì kỷ luật trên tàu nên trước mặt người ta nhịn ông, nhưng sau lưng họ rình đổ thuốc rửa chén lên đĩa xà lách hoặc đổ muối vô nồi xúp phá chơi cho bõ ghét.
Sau nầy tôi trở thành đầu bếp, thấm thía cảnh làm dâu trăm họ và nhận thấy lối cư xử trịch thượng quá thường bị thiệt cho mình chớ hổng có ích lợi gì hết. Cũng từ đó tôi tập tánh nhẫn nhục và ôn hòa với mọi người. Nhưng thủy thủ đoàn là một đám người phức tạp, muốn giữ được sự công bằng trong việc ăn uống cũng không dễ dàng gì. Ban đầu hổng biết, tôi chiên gà chặt từng miếng khéo, sắp vô đĩa, dọn lên bàn cho đẹp. Nhưng mấy ông ăn trước lựa thịt ngon cho vô đĩa mình, chừa lại xương, cánh vụn vặt. Mấy người sau không ăn được, vô mắng vốn đầu bếp. Nhiều lần xảy ra như vậy. Tôi rút kinh nghiệm về sau. Thịt nào mặc kệ, trước khi chiên nấu, cứ đếm đầu người chặt chia đều mỗi người một cục là xong chuyện. Ý vậy mà nhiều lần bực bội đến độ mất ngủ khi gặp những tên lố lăng, có đêm muốn xách dao qua phòng cắt cổ cái tên đã dám hỗn láo với tôi hay liệng bà nó xuống biển cho rồi. Nhưng sống càng lâu càng quen với đời thủy thủ, tôi nhận thấy tánh ăn nói thô lỗ, tục tằn và khoác lác cũng có nguyên do của nó mà lắm khi chính tôi cũng bị nhiễm vào.
Cái nguyên do chánh là thủy thủ sống xa bờ, xa gia đình, chịu cảnh sóng biển, bão bùng, cảnh cô đơn. Mỗi khi đổ bộ lên một xứ lạ, gặp ngay dân mánh mung đứng chờ trước cổng. Bọn nầy giả đủ hạng người, ai chưa kinh nghiệm dễ bị họ lường. Đi đường ban ngày ban mặt bị cướp chĩa dao vào hông, dí súng vô đầu, giựt đồng hồ, vét cạn túi, nếu cần nó lột hết áo quần. Có đêm đi với gái chẳng chấm mút được gì hết mà túi sạch sẽ không còn tiền đi tắc xi... Sau những lần chơi xả láng, sáng hôm sau tiếc tiền, phần sợ xấu hổ nên không dám nói thiệt, khoác lác nọ kia cho xong, riết rồi quen miệng đó thôi.
Trở lại chuyện ăn uống trên tàu, có một thủy thủ người Nam Dương không ăn được bánh mì, mỗi bữa điểm tâm anh thường xin tôi mì gói. Hôm rày mì gói cũng hết, anh ta đến than với tôi:
– Ở Nam Dương sáng trưa chiều tối đều ăn thức ăn nóng, còn Âu châu ăn đồ nguội ngắt lạnh tanh.
Tôi ôn tồn giải thích với anh ta:
– Sống tập thể, anh phải tập cho quen với mọi người. Tui biết ở xứ anh cũng như xứ tui, ăn ngày ba bữa cơm, nhưng cơm phải nấu ăn mới được, tuy cơm nóng ăn đơn giản cá khô, xì dầu cũng xong. Bên Âu châu thức ăn thừa mứa, nguội lạnh nhưng hợp vệ sinh. Chuyện gì tui hổng biết chớ chuyện ăn uống mấy nước nghèo bên Á châu mình không bì kịp người ta đâu.
Vì ngẫu hứng làm tôi lên lớp dạy anh ta hồi nào mà tôi không hay, đợi đến khi nét mặt anh méo mó dài thòng, tôi mới dừng lại thì đã muộn màng rồi. Món ăn cũng là một thứ biểu hiện văn hóa của dân tộc. Có lẽ tôi đã chạm tự ái dân tộc của anh nên từ đó trở đi anh hay xỉa xói, nói mỉa tôi là người Hòa Lan chớ không phải là Việt Nam nữa.
Ai cũng có một quê hương để tự hào, nhưng tôi không được như anh Nam Dương ấy. Tôi đã đi qua nhiều nước trên thế giới, sống trà trộn với nhiều người, hễ gặp nhà truyền giáo hỏi quốc tịch, tôi trả lời là người Việt tức thì họ ngạc nhiên trố mắt hô: "Oh God!". Rồi lâm râm cầu nguyện. Còn vô những nơi ăn chơi, khi nghe tôi giới thiệu gốc gác của mình, thì họ à lên một cái, có người ra vẻ hiểu biết, đứng dậy một tay đưa về phía trước, một tay giơ ngang làm như ôm súng ngoẻo cổ, miệng nạt: "Vietcong Vietcong rèèn rèèn... baang baang..." Sau đó tôi được uống bia miễn phí. Thậm chí những "chị em ta", thấy thằng Việt Nam tội nghiệp, dẫn về nhà cho ngủ chùa một đêm. Quả thật quê hương tôi tiếng tăm vang dội khắp thế giới! Càng nhắc dạ càng đau!
Trứng gà cũng sắp hết nên tôi bớt phần trứng mỗi tuần hai lần trong bữa điểm tâm. Nhưng sáng nào cũng như sáng nấy, ông thủy thủ Tây Ban Nha thức trước hơn mọi người, lấy bánh mì trét bơ để lên đĩa rồi xin tôi một trứng. Ông tự tay chiên vàng, xong bưng vô phòng ăn. Lần đầu tôi không nói, ăn quen ông làm tiếp, buộc lòng tôi phải lên tiếng lưu ý. Tức thì mặt ông thụng ra một đống, sau đó tới màn kiếm chuyện:
– Vài ngày nữa tàu ghé Santander, xếp lên bờ mua thêm thức ăn?
Tôi nói:
– Được, nhưng ai ra tiền?
– Thuyền trưởng.
Ông nói chuyện ăn trớt như vậy thử hỏi làm sao tôi im được. Tôi ngó thẳng mặt ông và hơi lớn tiếng:
– Tôi đã nói với mọi người rồi, đơn đặt thực phẩm tui làm xong và đã đưa ông thuyền trưởng fax về Hòa Lan hôm ở Baltimore. Ông chờ vài hôm nữa sẽ có đồ ngon cho ông ăn, còn bây giờ có gì ăn nấy.
– Nhưng xếp là đầu bếp thì phải lo cho đàng hoàng.
– Ông khỏi phải lo, tui hổng để ai chết đói đâu.
Chẳng lẽ mỗi chút mỗi lên mét với thuyền trưởng, hơn nữa vì lễ nghi Á đông hay kính trọng người tuổi tác, tôi chịu khó giải thích dông dài với ông, chớ gặp đầu bếp Hòa Lan ăn nói ba lăng nhăng như vậy nó chửi cho mất mặt.
Chuyến nầy đi có tới hai ông già, mà thứ già ăn nói lộn sòng. Ông thợ máy cũng sấp sỉ sáu mươi. Hôm nọ còn hai cái bánh ngọt cuối cùng, tôi lấy cho thuyền phó ăn, ông thợ máy biết được bèn chạy xuống bếp gặp tôi, la ó om xòm, nói sao không chia cho ông một cái. Rồi từ đó trở đi, hễ tới giờ cà phê là ông nhắc tới hai cái bánh ngọt. Mỗi bữa ăn, ông ngó qua phòng thủy thủ, lỡ đầu bếp dọn thức ăn khác với phòng của officer, tức thì ông la ầm lên như tàu bị hỏa hoạn. Chuyến nào đi gặp ông, những thủy thủ Hồi giáo không ăn thịt heo cũng đành phải chịu chớ không dám kêu ca gì với đầu bếp hết.
Hôm nhận được điện tín báo sau chuyến nầy ông được nghỉ hưu, ông mừng rỡ cầm bức điện xuống khoe với mọi người. Sau đó ông vô bếp trong lúc tôi đương chiên thịt. Mặt ông hớn hở như trẻ nhỏ được quà, ông khoe:
– Tấn, dìa chuyến nầy tao được nghỉ hưu.
Tôi gắp miếng thịt ra khỏi chảo, chưa kịp bắt tay chúc mừng thì ông vội nói tiếp:
– Tao hải hành đúng bốn mươi hai năm.
Nhắc cái chảo để ra khỏi lò, tôi day ngang bắt tay chúc mừng ông, cười nói:
– Tuổi ông nghỉ ngơi cũng vừa rồi, nhưng dìa nghỉ đừng quên Chủ Nhựt dẫn bà và con Kees đi nhà thờ.
– Dĩ nhiên, dĩ nhiên...
Như chợt nhớ ra, ông giựt mình nói:
– Nhưng nhà thờ đâu được phép dẫn chó vô.
Có lẽ tôi phải nhắc chuyện con Kees của ông trước khi nói tiếp. Hơn mười năm về trước, lúc tôi còn trẻ... măng. Ông thợ máy đương độ tứ tuần, tánh tình ông tuy hơi nhỏ nhặt nhưng chưa đến quá độ như bây giờ. Thời gian trôi qua như con nước chảy, ông đã già, còn tôi thì sấp sỉ ba mươi lăm. Ông cưới vợ Bồ Đào Nha, cư ngụ ở thủ đô Lisboa. Có lần ông tâm sự, vì sợ hao tốn và ngại cực, bà không chịu sanh con, nhưng nuôi một con chó nhỏ xíu đặt tên nó là Kees. Dạo đó tàu đi tuyến đường Lisboa – Angola. Hễ mỗi lần tàu về Lisboa, bà thường dẫn con Kees xuống thăm ông. Một bữa tôi đương dọn dẹp, Kees đi vô ủi mỏ, hít hít dưới chưn, sẵn thức ăn thừa tôi liệng xuống cho. Liệng bao nhiêu nó đớp hết bấy nhiêu... Ăn no bụng, Kees chạy đi đâu tôi cũng không để ý. Đến lúc bà phát hiện con chó nằm ngửa chổng bốn cẳng lên trời, miệng chảy nước, hơi thở đứt đoạn, bà tá hỏa tam tinh chạy vô phòng bếp, hỏi tôi:
– Xếp, xếp, hồi nãy xếp cho con Kees ăn gì?
Tôi nói:
– Tui cho nó ăn đồ thừa.
– Không được, không được!
– Tại sao không?
– Con Kees có thức ăn riêng.
Tức thì bà chạy kêu ông ôm con chó lên nhà thương cứu cấp. May mà con Kees được cứu sống, bằng không tôi chắc phải ra tòa. Đối với ông bà, con Kees còn hơn một mạng người nữa. Mỗi lần đổi phiên xuống gặp ông, tôi hỏi thăm sức khỏe của bà mà không hỏi đến con Kees thì ông cũng tự nói ra. Mới đây ông cho tôi biết sức khỏe của con Kees yếu lắm, mới vừa rụng hết mấy cái răng. Như vậy con Kees sẽ cùng về hưu với ông luôn một thể.
Trở lại chuyện với ông, tôi nói:
– Tôi nghe nói ở Âu châu có nhiều người nuôi chó, đến chừng chó chết, họ mướn linh mục đọc kinh trước khi chôn, vậy thì chó cũng biết nghe kinh chớ.
Ông giơ tay gạt ngang trán một cái, nói:
– Mấy người đó là mấy người khùng, tao thì không như vậy.
Thấy ông ngây ngô trả lời những câu khôi hài của tôi giống y như thiệt, chợt nhiên tôi nghe buồn buồn. Nhìn mặt ông nhăn nheo, da tay sần sùi như da cóc, hơi thở tỏa ra mùi ống cống làm tôi liên tưởng đến một xác chết. Còn sống chung chạ với nhau, nhỏ nhen, tham lam, ích kỷ. Đến cuối cuộc đời đầu óc sanh lẫn lộn, tối tăm nằm chờ xuống lỗ. Giờ đây tôi mới thấy thấm thía câu sanh già bịnh chết của nhà Phật.
Nhưng thiệt ra ông và ông già Tây Ban Nha làm ra vẻ mình là quan trọng chớ ăn uống có là bao. Muốn nói chuyện ăn uống nhiều thì hãy nói đến mấy thủy thủ trẻ. Một ngày tôi làm được có ba ổ sandwich, mỗi ổ dài hai tấc tám, bánh dành xắt miếng để ăn điểm tâm và ăn dậm thêm buổi chiều. Mấy ông con thấy đồ ăn còn ít, bộ sợ chết đói hay sao mà mỗi đêm lấy ăn hơn cả ổ bánh mì, nửa ký phó mát, một đĩa dăm bông. Hết dăm bông, phó mát, mấy ông ăn qua mấy hũ mứt trái cây và đậu phộng nghiền... Tôi biết nhưng làm lơ. Một hôm sơ ý làm sao hổng biết, để cho ông già thợ máy bắt gặp. Sáng hôm sau ông tâu lên thuyền trưởng. Ngay ngày hôm đó, thuyền trưởng đề nghị tôi sau giờ ăn chiều đem tất cả đồ ăn để vô phòng lạnh rồi khóa cửa kho lại. Thức ăn mà đem dấu như mèo dấu cứt, thiệt tình thì cũng khó coi. Nhưng lịnh của thuyền trưởng biết làm sao bây giờ.

……

Ngồi trong phòng tôi vẫn cảm được cái lạnh mùa xuân trên miền bắc Đại Tây Dương. Gió thổi ào ào, sóng ập thành tàu, nước biển văng lên va vô cửa kiếng nghe xào xào. Không gian đen thẫm một màu và con tàu vẫn ngả nghiêng theo triền sóng. Có tiếng nắp vung rớt xuống sàn bếp nghe cái xèo. Tôi đứng dậy định đi xuống coi chuyện gì, nhưng lúc đó mũi tôi nghe mùi thơm của mì ăn liền bốc lên. Khỏi cần xuống, tôi cũng biết có một thủy thủ nào đó khi biết thức ăn sắp cạn, bèn xuống kho chôm mì gói để dành, chờ bà con ngủ hết, anh ta mới lén xuống bếp tự nấu ăn. Để anh bạn nào đó ăn tô mì cho ngon miệng, tôi tắt đèn, leo lên giường trùm mền dỗ giấc ngủ.
Trước khi thiêm thiếp, đầu óc tôi cứ chập chờn so đo. Tôi tưởng sống trên một đất nước chiến tranh triền miên, nghèo khổ, chịu đói khát trong cơn loạn lạc, rồi sau năm 1975, trong những trại nhục hình của cộng sản mới có chuyện miếng ăn đã làm con người trở nên hạ cấp! Nhưng không ngờ ở nơi thực phẩm thừa mứa, cũng có những hạng người chỉ vì miếng ăn mà biến thành hèn hạ đâu khác gì ở xứ tôi!

Nguyễn Lê Hồng Hưng

Xem bản dịch tiếng Hòa Lan

***

Nguyễn Lê Hồng Hưng có nhiều sáng tác đã được đăng trên một số lớn tạp chí văn học tại Hòa Lan, Đức, Hoa Kỳ. Trong giới sáng tác tại Hòa Lan, anh là một trong những người viết đều và phong phú.


Cái Đình - 2003