Nguyễn Lê Hồng Hưng


Hải hành mùa đại dịch

Chương 2.

.

Hôm tôi xuống tàu, khi xe đậu lại bến, Ama đang đứng trực trên đầu cầu thang, vừa thấy tôi từ trên boong nó chạy ào xuống làm chiếc cầu thang rung rinh và kêu lạch cạch. Nó quên luôn luật phòng chống dịch, nhào tới bắt tay mừng rỡ và ôm chầm lấy tôi:

– Biết chú xuống con chờ.

Tôi vỗ vỗ vào vai nó, nói:

– Lâu lắm rồi chú cháu mình mới gặp lại.

Nó khom xuống kéo chiếc vali nặng trịch và đầy nhóc đồ đạc của tôi vác lên vai rồi đi một mạch lên phòng, để vali xuống xong, nó nói:

–  Con còn phải trực, chú cháu mình sẽ gặp lại sau.

Ama dân In Đô thuộc giống người Ambon tóc quăn, nước da đen gần như người Phi Châu. Tôi quen ba của nó trong những ngày đầu tôi tập sự hải hành, ông tên là Verman, lớn hơn tôi bốn tuổi và gia đình theo đạo Thiên Chúa. Lúc tôi mới chân ướt chân ráo tới định cư nước Hoà Lan, xin được chân thủy thủ, những ngày sống chung nhau Verman thương và giúp đỡ tôi rất tận tình. Tới ngày tôi làm đầu bếp thì cũng là lúc Ama xuống tập sự làm thủy thủ, Verman dạy Ama kêu tôi bằng chú và dặn tôi nhắc nhở, giúp đỡ Ama trong lúc nó cần hoặc những khi ông không có mặt trên tàu. Thời gian sau Verman bệnh nặng không làm việc được nữa, lúc đó Ama đã thạo nghề và lương bổng được khá thì cũng là lúc Verman qua đời.

***

Sau giờ ăn trưa hôm đó, Ama dẫn tới một thanh niên trẻ, giới thiệu là con trai của nó tên Nando vừa tròn hai mươi tuổi, học xong trung học và mới xuống tàu đi chuyến đầu tiên. Tôi còn nhớ ngày đầu khi Verman dẫn Ama tới giới thiệu cho tôi, tuổi Ama cũng bằng Nando bây giờ và không khí gặp gỡ cũng giống như ngày hôm nay, khác cái là Verman dạy Ama kêu tôi bằng chú Tấn (uncle Tan), còn bây giờ Ama dạy Nando kêu tôi bằng ông Tấn (Mr. Tan). Nước In Đô với nước Hoà Lan có hiệp ước lao động nên phần đông tàu Hoà Lan nhận người In Đô làm thủy thủ rất nhiều, cũng vì vậy nhiều thủy thủ người In Đô làm việc cho công ty hết đời cha tới đời con và bây giờ tới đời cháu rồi.

Trước đây Ama theo tôi học làm bếp, tới khi thấy nó thạo nghề tôi mới chỉ cách nó xin việc. Từ khi Ama nhận việc tôi với nó không đi chung tàu nữa, nhưng thỉnh thoảng cũng có nhắn tin thăm nhau. Nhờ vậy mà tôi biết nó làm bếp được một thời gian rồi nó gây lộn với mấy người Nga sao đó và xin trở lại làm thủy thủ. Ama thấy tôi chiều nào cũng lên bến đi dạo, nên tuần trước nó nhờ tôi hỏi thuyền trưởng cho nó đi theo. Sau giờ ăn chiều, tôi hỏi thuyền trưởng thì ông nói:

– Người nào đi thì người đó hỏi, hổng được người này hỏi dùm người kia.

Nói xong ông vô phòng đóng cửa lại. Những thủy thủ người In Đô thường ngại không dám gõ cửa phòng hoặc điện thoại cho thuyền trưởng, đúng ra tụi nó hỏi thuyền phó cũng được. Nhưng có lẽ vì sợ mắc dịch Covid-19 hoặc vì cái bản tánh ngại ngùng của dân thuộc địa trước kia còn đọng trong máu nên không dám hỏi, cũng như nhiều người Việt làm trên các xưởng ở đất liền, hễ thấy sếp Tây thì rụt rè không dám đòi hỏi mặc dù biết đó là quyền lợi của mình, cũng vì vậy mà hơn tháng qua không có người In Đô nào lên bờ đi dạo hết. Chiều nay sau giờ ăn Ama vô bếp phụ tôi dọn dẹp, xong việc tôi lấy bia mời nó. Chúng tôi đứng trong bếp đưa lon lên cụng, ngước cổ uống một hớp. Chợt nhớ ra tôi hỏi:

– Con hổng muốn trở lại làm bếp nữa sao?

– Dạ, cũng muốn nhưng nhiều chuyện phiền phức, con sợ mình chịu hổng được.

– À, làm dâu trăm họ mà hổng cảm thông, nhẫn nại thì cũng phiền phức lắm.

– Sao con thấy không có người nào vô bếp đòi hỏi chú món này món kia.

– Có chớ, hồi chú mới vô nghề gặp nhiều lắm, chú chửi mấy thằng cà chớn đó hoài, thậm chí muốn lấy dao đâm cho nó lòi phèo luôn.

– À! Vậy hả chú, nhưng hồi biết chú tới giờ con thấy chú hiền khô.

– Lúc gặp con chú đã lớn tuổi rồi.

– Con thấy mấy người Nga sống vô kỷ luật, ăn uống hổng giờ giấc gì hết, mà lại kỳ thị, xấc xược đôi khi cũng bực mình.

– Trước kia chú nghĩ cũng như con vậy, sau này chú mới nhận ra, người nước nào cũng vô kỷ luật, kỳ thị, ganh tị và hay làm khó nhau.

– Sao con người hay kỳ thị nhau quá chú?

– Có lẽ từ khi có loài người trên trái đất thì chuyện phân biệt đã có rồi, là con người thì ai cũng có tánh phân biệt. Theo chú thì phân biệt là mầm mống của kỳ thị, nhưng tùy hoàn cảnh xã hội mà nó bộc phát, với lại còn cá tính của mỗi dân tộc và tùy trình độ của mỗi người mà tỏ thái độ khác nhau. Ngay người In Đô cũng vậy thôi, người Ambon không ưa người Java, ngườì Java ghét người Ambon, đạo Hồi không ưa đạo Chúa, đạo Chúa không thích đạo Hồi.

Ama nói:

– Đạo Hồi hổng thích đạo nào hết.

– Chỉ vì ba cái chuyện nhỏ nhặt vậy thôi mà con bỏ nghề.

– Dạ.

Tôi liếc qua nhìn thằng nhỏ, thấy nó chú tâm lắng nghe, tôi nói tiếp:

– Trên tàu con tức giận chửi lộn rồi bỏ nghề. Nếu con ở Mỹ mỗi khi tức giận chắc con hùa theo đám làm loạn đập phá cho đã.

– Chú nghĩ vậy sao?

– Chắc chắn luôn chớ nghĩ gì, biểu hiện của tức giận là phẫn nộ, mà phẫn nộ sanh ra phá phách.

– Con muốn bỏ tánh nóng nhưng khó quá chú.

– Ba con ngày trước hiền khô, có lần ba con thấy chú gây lộn với đồng nghiệp, ba con rầy chú và chú có kể cho ba con nghe về tánh nóng khó chừa của mình. Con biết ba con nói sao không?

– Sao chú?

– Khó nhưng không có nghĩa là hổng bỏ được, mình thay đổi người khác hổng được nhưng thay đổi chính mình thì được. Từ đó chú tập dằn cơn nóng giận khi gặp chuyện bất bình riết rồi tánh nóng biến đâu mất hồi nào không hay.  

– Con thấy ngày Chủ Nhựt mà thuyền trưởng hổng cho đầu bếp nghỉ ngơi gì hết, chú vui vẻ làm, chớ những đầu bếp khác vừa làm vừa tức giận vừa chửi thề và mạnh tay với dao thớt.

– Trong số đầu bếp hổng vui vẻ đó có bếp Ama.

Chúng tôi cùng cười ha hả. Tôi hớp một hớp bia và vỗ lên vai thằng nhỏ, nhẹ giọng:

– Bỏ tánh nóng hổng phải là nhu nhược, con đừng tính toán, so đo với ai hết, sống tập thể mình nên cảm thông, chia sẻ và chịu thua thiệt một chút, có như vậy mình mới an tâm làm việc. Đầu bếp mỗi ngày làm chỉ có bao nhiêu việc, hàng hoá tự đặt, menu tự ra... Nếu biết sắp xếp công việc thì ngày nào cũng là ngày Chủ Nhựt.

– Ờ, con thấy chú nấu buổi sáng đủ ăn luôn cho buổi chiều.

– Thường là vậy, nhưng với viên thuyền trưởng này chú phải nấu thêm thịt.

– Ờ, thuyền trưởng ăn thịt nhiều quá. 

– Ở nhà thiếu ăn nên xuống tàu ông ăn bù vậy thôi.

Ama tưởng tôi nói chơi nên hỏi lại:

– Oh, thiệt vậy hả chú?

– Thiệt chớ.

– Nhưng ông ta là thuyền trưởng mà thiếu ăn sao?

– Hồi trước ông cũng là chủ tàu nhưng sau đó bị phá sản, có lẽ cũng vì bất tài nên ở nhà vợ cho ăn cầm hơi, khi lên tàu được ăn miễn phí nên ông ăn cho đã.

– Trước kia con nghĩ là thuyền trưởng người nào cũng hiền, thông thái và dân ở Âu Châu hổng có người nghèo đói.

– Con nên biết rằng, trên thế giới này nơi nào có tỉ phú thì nơi đó có ăn mày, chú biết có nhiều người làm chủ công ty lớn bị phá sản đến đổi không còn nhà để ở, phải ở trong caravan. Theo chú nghĩ thì hoàn cảnh của viên thuyền trưởng này cũng tương tợ vậy thôi, hôm trước còn là chủ lớn, hôm sau trắng tay là lẽ thường tình. Còn nhân cách thì hổng phải người nào học cao cũng hiểu rộng, là người thông thái và biết cách đối nhân xử thế, con thấy trên tàu đó, có vài người học cao, có bằng cấp hẳn hoi nhưng giữa người và người họ cư xử với nhau còn thua phường vô loại nữa.

– Nhưng thuyền trưởng có một biệt thự lớn và một chiếc du thuyền buồm.

– Chú có thấy hình ảnh ông thường khoe với mọi người, nhưng biết đâu đó là hình ảnh của trước kia, hoặc nếu hiện tại ông đang sở hữu thì cũng có thể là ông làm việc để trả nợ cho những thứ ông đang có, trên tàu ông là thuyền trưởng khi về nhà ông sống ra sao ai mà biết được. Trong công ty những thuyền trưởng và những thợ máy người Hoà Lan trẻ hơn ông, họ đã nghỉ hưu hết rồi. Nếu ông là người giàu có thì tuổi này ở nhà nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống cho sướng cái thân già, chớ làm gì xuống tàu thèm ăn và kèo nài thêm từng miếng thịt, từng cái trứng gà.

– Ờ, trước khi chú xuống, có lần đầu bếp chiên cho mỗi người hai cái frikandel, ông ăn xong rồi vô bếp nói với đầu bếp là ông chưa ăn, làm đầu bếp phải chiên thêm cho ông hai cái khác.

– Chú cũng bị ông đòi ăn thêm theo kiểu đó hoài.

– Công ty biết không chú?

– Biết chớ.

– Họ hổng làm gì sao?

– Chuyện ăn uống trên tàu đâu có liên quan tới họ.

– Theo quy luật trên tàu thì không người nào được vô bếp làm phiền đầu bếp.

– Thật ra thì luật lệ dành cho những người biết sống kỷ luật thôi. Có lần chú gặp thuyền trưởng hay chèn ép chú và hay vô bếp đòi này đòi nọ, chú bực mình, lúc gặp chủ tàu chú mét. Con biết ông chủ nói sao không?

– Sao chú?

– Ông ta nói, ông là chủ trong bếp, bất cứ ai đòi này đòi kia thì mặc kệ, ông đừng làm theo.

– Rồi chú có làm theo lời chủ không?

– Có chớ, nên chú gây lộn hoài và chú cũng xin đổi tàu khác mỗi khi gặp thuyền trưởng khó khăn, nhưng qua tàu khác thì gặp chuyện bực mình khác, hổng lẽ xin đổi tàu hoài, từ đó chú thấy chuyện gì được thì chú làm, không thì chú lờ đi, nhờ vậy mà chú mới được yên thân. Cũng nhờ gặp khó khăn chú mới khám phá ra những người tham ăn, thường thì lòng dạ hẹp hòi lắm, mình làm dưới quyền họ mà, không nên cãi vã với họ làm gì. Chú nhớ có lần đi chung với viên thuyền trưởng ghiền rượu có vợ người In Đô và có một biệt thự ở Sumatra, mà lại không ưa thủy thủ In Đô. Mấy người nát rượu thường ăn nói bậy bạ lắm, có người nói bậy làm cho người ta cười, có người nói bậy làm người ta khó chịu. Ông ta lấy vợ In Đô thì hổng có tánh kỳ thị rồi, nhưng có tánh kỳ cục hễ mở miệng ra là chửi tục, cho nên nhiều thủy thủ ghét và hăm he khi về Sumatra sẽ đốt ngôi biệt thự của ông. Vậy mà đã mấy chục năm qua rồi, ông vẫn sống vui vẻ với vợ con và vẫn hổng ưa thủy thủ người In Đô, nhưng ngôi biệt thự của ông bên Sumatra vẫn chưa bị cháy.

– Ha ha...

Ama đang hớp bia, nghe tôi nói nó cười lớn bị sặc bia văng tùm lum. Tôi nói tiếp:

– Thật ra thì lâu lâu mới gặp một thuyền trưởng kỳ cục vậy thôi, chớ phần đông thì rất tốt. Mình hổng nói chuyện về  thuyền trưởng nữa, nói chung là không nên nói nói bất cứ người nào. Con xin làm bếp lại đi nhưng con đừng so đo, tính toán nữa. Mình là đầu bếp nấu cho nhiều người ăn, nên công bằng ai cũng như ai, lo làm cho tốt việc của mình và nấu cho ngon. Con làm được như vậy, chú bảo đảm hổng người nào dám vô bếp làm phiền con nữa đâu.

– Vậy mỗi sáng con vô bếp học thêm chú nhé.

– Hơn tháng rồi ngày nào con cũng vô phụ chú mà.

– Dạ, nhưng con cần học thêm kinh nghiệm.

Nói tới đây nó nhìn lên góc bếp thấy chiếc ba lô máng trên vách. Nó hỏi: 

– Chú định lên bờ hả?

– Chiều nào chú cũng đi mà.

– Con muốn đi với chú nhưng mà thuyền trưởng khó quá. 

– Thì con hỏi thuyền phó.

– Thuyền phó kêu hỏi thuyền trưởng.

Tôi hơi khó chịu và nhăn cái mặt, cao giọng hỏi:

– Con gọi điện hỏi thuyền trưởng hổng được sao?

– Sợ ổng ngủ.

– Giờ này mà ngủ nghê gì!

Thấy nó lưỡng lự, tôi day ngang chỗ máng điện thoại, nhấc ống nghe lên, bấm số rồi đưa ống nghe qua cho nó:

– Con hỏi đi, ổng hổng bắt con bỏ tù đâu.

Có như vậy nó mới đủ can đảm cầm ống nghe lên hỏi. Xong nó day qua tôi tươi cười nói:

– Được rồi chú, vậy chú chờ con tắm xong rồi đi.

– Khỏi, mình lên bến đi gần đây thôi, có được ra phố đâu mà làm bảnh.

– Đi liền hả chú?

Tôi chỉ qua đám dĩa đã rửa xong nói:

– Chú sắp mấy cái này lên kệ xong rồi đi.

– Để con sắp cho chú.

Tôi chưa kịp trả lời, nó liền day ngang lấy dĩa sắp lên kệ. Trong khi Ama sắp lại chồng dĩa, tôi chợt nhớ trong ba lô chỉ có hai lon bia, tôi đi lại góc phòng, vói tay lấy ba lô xuống mở ra lấy hai lon bia bỏ trở lại tủ lạnh và lấy một xâu sáu lon bia nhét vô ba lô. Ama sắp dĩa lên kệ, xong day nó qua tôi nói:

– Để con lấy bia.

Tôi nói:

– Sáu lon, một người ba lon hổng đủ sao?

– Để con lấy thêm vài lon nữa.

– Thôi khỏi.

Tôi mở tủ lấy hai lon bia hồi nãy nhét trở lại vô ba lô, day qua nói với nó:

– Mỗi người bốn lon đủ rồi.

Nó cười hì hì:

– Để con lấy hộp đậu phộng.

Trong ba lô của tôi có một hộp phó mát đầu bò, nhưng thấy thằng nhỏ nhiệt tình quá tôi cũng gật đầu.

– Cũng được.

Nó vui vẻ và liền quay lưng đi nhanh lên phòng. Tôi cũng xốc chiếc ba lô lên vai rồi ra boong đứng đợi. Buổi chiều lang thang trên bến hoặc ngồi thơ thẩn uống bia trên bờ sông Maas nhìn mặt trời lặn xuống biển, đôi khi cao hứng tôi bấm vài câu thơ vô điện thoại thông minh rồi đăng trực tiếp lên facebook, nhưng hôm nay nó lại trở thành buổi picnic ngoài trời.

.

Dronten 30-8-2020
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Xem Chương 1

Xem tiếp Chương 3

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/haihanhmuadaidich_chuong2.htm


Cái Đình - 2021