Nguyễn Lê Hồng Hưng


Hải hành mùa đại dịch (Chương 3)

.

Mặt trời ẩn sau tầng mây xám, mây vén lên chừa một đường vàng nhạt phía trời tây. Những cánh tua bin gió đã ngừng quay, mặt nước dưới dòng sông êm ả và vài chiếc tàu vô ra thưa thớt. Trời chiều, đường vắng và nghe rõ tiếng chim kêu. Chúng tôi đi trên con đê dài hướng xuống con đường đi bộ dọc bờ sông. Ama hỏi tôi:

– Đi đâu chú?

Tôi quơ tay một vòng và chỉ ngón tay ra cột đèn bẹo ở bờ sông nói:

– Mình đi dạo một lát rồi trở xuống đó.

Tôi day ngang hỏi Ama:

– Con thấy bến chờ có khác hơn bến cảng không?

– Khác nhiều chú, ở đây không có cần trơi, những chiếc xe tải containers và cũng hổng có người làm việc nên không ồn ào như bến cảng.

– Còn thiếu một thứ nữa.

– Thứ gì chú?

– Bông! Mùa xuân ở Hoà Lan thường thì nơi nào cùng thấy trồng bông, ở những bến cảng người ta cũng có làm nhiều bồn trồng đủ thứ bông được thường xuyên chăm sóc. Còn ở đây chỉ có bãi cỏ, chòm cây và bông dại, trông rừng rú và còn có vẻ thiên nhiên.

Ama ỡm ờ chưa nói gì thì chợt có tiếng điện thoại reo, nó đứng lại móc túi lấy điện thoại ra nghe. Ama trả lời bằng tiếng In Đô nên tôi không hiểu gì hết, nói xong cúp điện thoại, day qua tôi, nó nói:

– Chú ra bến sông trước đi, con xuống tàu có chuyện, lát nữa xong con lên liền.

Tôi chỉ tay dọc theo con đường đi bộ và nói:

– Chú đi bộ trên đường kia một lát chú sẽ trở lại chân cột đèn bẹo ngồi chờ con, nếu con lên hổng thấy chú thì con ngồi đó chờ chú, chú sẽ tới.

– Yes sir!

Ama day lưng đi nhanh xuống tàu, tôi quay gót tiếp tục bước. Tới con đường dọc bờ sông mới thấy có vài người đang chạy bộ, ngang qua mỗi một người tôi đều tránh một bên giữ khoảng cách. Một chiếc xe cảnh sát đang chạy tuần ngay trên con đường đi bộ, chiếc xe chiếm hết lòng đường, tôi phải lách người qua lề cỏ đứng nhường đường cho xe. Khi xe cảnh sát qua rồi, tôi tiếp tục đi, đầu óc tôi trống rỗng, chưa có một ý niệm nào, chợt nghe tiếng gọi phía sau:

– Hallo Tấn!

Tôi day lại thấy bà thuyền trưởng tàu kế bên đang chạy bộ, tới ngang tôi bà dừng lại, chúng tôi tự động tránh nhau và đứng qua hai lề cỏ.  Bà vừa thở vừa chào:

– Ông khoẻ không?

– Khoẻ.

Trong số những người ngoại quốc tôi quen chỉ có vài người kêu đúng tên tôi với đầy đủ dấu giọng, còn lại đa số đều kêu Tan, Tan. Tôi quen bà thuyền trưởng từ khi bà còn là phụ tá thuyền phó. Ngày trước ba của bà cũng là thuyền trưởng, lúc tôi hải hành thì ông đã gần tới tuổi về hưu, thời gian đó thủy thủ năm mươi lăm tuổi thì được nghỉ hưu rồi, tôi làm chung với ông một hai chuyến thì ông về hưu. Tôi hỏi thăm sức khoẻ ba, má của bà. Bà nói năm nay ông già yếu lắm rồi, còn má của bà thì vừa nằm bệnh viện mới về nhà. Hỏi thăm nhau xong bà khoe với tôi, bà đặt vé tour du lịch miệt đồng bằng sông Cửu Long, sau đó qua Cambodia, nhưng vì đại dịch nên hãng du lịch đình lại. Tôi nói:

– Bà sướng thiệt, năm ngoái bà qua Việt Nam và đi một tour từ Bắc vô Nam, năm nay còn muốn qua đó nữa.

Bà đưa ngón tay cái ra gặt gặt, cười nói:

– Việt Nam là một đất nước đẹp tuyệt vời, tôi đọc tạp chí du lịch thấy vùng đồng bằng sông Mê Kông đang phát triển.

Dù sao bà cũng là dân nước ngoài tới quê hương tôi du lịch, thật tình thì cảnh quan nước Việt Nam bề ngoài trông hổng tệ. Nhưng nó không giống đất nước Hòa Lan của bà, rừng cây, kinh rạch, đê điều do con người tạo ra, nhưng người Hoà Lan biết tôn trọng, gìn giữ nên còn nguyên vẹn cảnh đẹp của thiên nhiên. Bà đâu biết là trong mấy tạp chí du lịch họ viết chỉ có lời khen để câu khách, thật ra thì quê hương tôi ngoại trừ những nơi bảo tồn thiên nhiên dành cho khách du lịch ngắm chơi, phần còn lại bị tàn phá gần hết. Tôi định kể cho bà nghe chuyện những dòng sông ô nhiễm, nước biển tràn đồng và thấm vào đất vườn làm cho mùa màng thất bát. Nhưng thiết nghĩ nói ra có ích gì đâu, đúng ra tôi nên khuyến khích bà nên đi, hơn là nói cho bà nghe những chuyện không tốt về đất nước quê hương mình. Tôi ỡm ờ:

– Ờ, tôi có đọc báo và nghe tin tức.

– Ông có  định về Việt Nam không? 

– Cũng định về, nhưng bị đại dịch rồi.

Bà đưa bàn tay lắc lắc.

– Ờ hén, đành chờ thôi.

Nói tới đây bà chào từ giã tôi rồi day lưng chạy tiếp. Đầu óc tôi mới hồi nãy còn trống rỗng, sau khi nói chuyện với bà thuyền trưởng thì tự dưng ngập tràn nỗi nhớ. Tôi nhớ quê hương tôi, nhớ cái ngày đầu mùa gió chướng năm xưa, tâm trạng cũng nao nao buồn buồn như những ngày này. Chuyện cũng đã qua hơn bốn mươi năm rồi, nhưng sao hôm nay tôi lại nhớ rõ ràng như in trong tâm trí, nhớ nhứt là những ngày cuối cùng trên vàm Sông Ông Đốc, cảnh dòng sông êm ả và thưa thớt ghe xuồng, cũng giống như dòng sông Maas hôm nay. Đó là những năm bảy mươi lăm và bảy mươi sáu vào tháng Ba, tháng Tư trong những ngày mùa gió chướng, cũng là mùa tôm bạc rại, nhưng ngư phủ không được ra biển đánh bắt cá, tôm. Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa quên khi vừa chiếm được miền Nam, chánh quyền mới bắt dân đi đào đất, hết đắp nghĩa trang rồi sang qua làm thủy lợi, đắp đê ngăn nước mặn. Dân ngư phủ chỉ biết lái ghe ra biển đánh cá, nhằm giữa mùa tôm, cá mà mấy ông bắt người ta đi đào đất, người ta làm không nổi thì mấy ông chửi bới, hăm he. Tôi cũng là một nạn nhân trong hàng ngàn trai tráng trong thị tứ bị bắt đi đào đất đắp nghĩa trang ở Bạc Liêu trong thời gian đó. Hồi cha sanh mẹ đẻ cho tới ngày lớn khôn tôi có cầm cây dá đào đất bao giờ, nên đào chỉ có một hai ngày bàn tay phồng lên bóng lưởng và bi dập tróc da ra nước rát rạt, vì đau rát quá tôi đào không được nữa, tôi buông dá đứng khóc. Mấy chú trưởng đoàn, trước ba mươi tháng tư bảy mươi lăm, mấy chú thường tới nhà nhậu với ba tôi rất là thâm tình, nhưng sau ba mươi tháng tư bảy mươi lăm, tuy không phải là bộ đội, nhưng mấy chú cũng đội nón tai bèo, bận quần vải nylon dầu, mang dép râu, bận áo bà ba, khăn rằn quấn cổ và làm đội trưởng dẫn đám thanh niên đi đào đất. Thấy tôi đứng khóc, một chú đi tới làm mặt lạ không hỏi han gì hết, còn quát tháo chửi thề và hăm dọa:

– Nếu mày làm hổng đạt chỉ tiêu tao sẽ đào lỗ chôn sống mày tại chỗ.

Má tôi hay tin tôi làm không nổi và bị chửi bới, hăm he bà bèn bắt con heo duy nhất trong nhà mà bà đã nuôi cả năm trời, đem bán lấy tiền lên Bạc Liêu đưa cho mấy chú để chuộc tôi về. Đó là mấy chú còn tình nghĩa với ba tôi mới cho má tôi chuộc tôi về và cấp giấy đã hoàn thành nghĩa vụ. May là nhà tôi còn có con heo và nhờ ba, má tôi có quen “lớn” nên tôi được cho về sớm, vài người trai cùng xóm, ở nhà không có heo, không có tiền, không quen ai và làm không nổi, bị mấy chú ghép tội “chống đối” và bắt gởi vô  trại cải tạo. Khi tôi về tới Sông Đốc thì mùa tôm bạc rại đã qua rồi, chạy ghe ra biển chỉ vớt vát được tôm cá lặt vặt cuối mùa.

Tôi đi dạo bên bờ sông một hồi thấy chân mỏi, tôi đi trở lại cột đèn bẹo trên sông. Vừa đi vừa nghĩ tới cảnh con người đối diện, chào nhau một tiếng rồi đi nép qua một bên bờ cỏ, làm tôi nhớ quê hương tôi sau ngày 30-4-1975, tuy chiến tranh nhưng cuộc sống nơi tôi ở cũng có thể gọi là đang yên đang lành, tình người lai láng, tuy không giàu có nhưng cũng đủ áo mặc, cơm ăn tự dưng tai họa ập tới làm con người ta nghi kỵ và tránh né nhau, giống y chang như trận dịch bây giờ, tôi lắc lắc đầu mấy cái cho qua chuyện ngày xửa ngày xưa và đi hướng ra chân cột đèn bẹo. Nhưng khi gần tới đường ra cột đèn, thấy nhiều người ngồi câu cá, họ ngồi cách ly theo quy định của luật phòng chống dịch. Tôi không muốn tới dưới chân cột đèn nữa, tôi ngó dọc theo bờ sông, thấy một chỗ cạnh mé nước có nhiều tảng đá sạch sẽ, bóng trơn, mặt bằng và không gian rộng rãi, tôi thấy ngồi đó rất an toàn, rất an tâm và hổng sợ corona gì ráo. Tôi tháo ba lô để xuống một tảng đá và móc túi lấy điện thoại ra rà trang YouTube chọn đài phát thanh tiếng Việt, bấm nghe tin tức Việt Nam. Vì chờ Ama nên tôi chưa bày thức ăn ra, tôi kéo mở dây ba lô moi ra một lon bia, lon bia để trong túi đi đường bị xốc nên khi khui nó xịt bọt văng ra tung toé, tôi vội hớp lớp bọt trào trên miệng lon và lấy giấy chùi lon cho ráo. Mọi việc ổn định rồi mới ngồi xuống tảng đá vừa nhâm nhi bia vừa ngắm sông và nghe tin tức.

Chiều nay gió nhẹ, trên dòng sông Maas thật là êm ả, con sông này thường ngày tàu buôn các nước vô ra tấp nập, nhưng bây giờ tàu vẫn vô ra nhưng không còn nhộn nhịp như trước đây vài tháng. Chợt tiếng còi của một chiếc tàu hụ vang rền cả mặt sông, làm hồn tôi lâng lâng... Như một sự tình cờ ngẫu nhiên, tin tức đài phát thanh nói sang chuyện miệt đồng bằng bị ngập mặn, nước biển tràn vào ruộng, thấm vào đất vườn làm cho lúa và hoa mầu chết hết và luôn cả người dân cũng không đủ nước ngọt dùng. Các cán bộ nông thôn kêu gọi tìm cách giải cứu đồng bằng sông Cửu Long. Tôi tự nhủ, cũng cái mửng cũ rích, hô hào kế hoạch thủy lợi, vận động dân chúng, bỏ ra biết bao nhiêu là tiền của, công sức và biết bao nhiêu mạng sống con người, từ đó tới nay đã qua nửa thế kỷ rồi, mà nước mặn càng ngày càng ngấm sâu vào đất lành, vườn tược, ruộng đồng làm hoa mầu, lúa ruộng chết hết. Dân quê lầm than nghèo khổ đành phải lìa đất nhà để tha phương cầu thực.

Đương vu vơ nghĩ ngợi chuyện quê hương, đất nước và con người, chợt thấy Ama đi xuống chỗ cột đèn đứng ngó dáo dác tìm tôi. Tôi liền đứng dậy chụm hai tay lên miệng làm loa, gọi lớn:

– Ama!!!

Ama day lại thấy tôi nó liền chạy ngược lên bờ rồi đi nhanh xuống bến sông. Tới chỗ tôi ngồi nó đứng lại vừa thở vừa nói:

– Sao chú hổng ngồi dưới chân cột đèn xem người ta câu cá?

– Ở đó đông người quá.

– Nhưng ở đây một lát nước lên ướt hết chú.

Tôi day ngang tắt đài phát thanh và lấy bia khui đưa qua cho nó và chỉ tay xuống một tảng đá vừa ráo nước, và mực nước còn lấp thấp dưới chân. Tôi nói:

– Con coi kìa, nước đang trở ròng.

– Ờ ờ...

Chúng tôi đưa bia lên cụng rồi ngước cổ hớp một hớp. Ama ngồi xuống tảng đá đối diện, tôi thấy ngồi gần quá nên nói với nó:

– Con ngồi giữ khoảng cách, coi chừng bị cảnh sát phạt.

– Một thước rưỡi hả chú?

Tôi cầm lon bia đưa thẳng cánh tay ra, nói:

– Đủ tầm tay cụng bia là được rồi.

Chúng tôi cùng cười. Ama xích qua tảng đá xa hơn ngồi, chúng tôi đo khoảng cách bằng cách cầm bia đưa thẳng tay ra cụng. Tôi moi trong ba lô lấy ra hộp phó mát để lên tảng đá giữa hai đứa, Ama cũng móc túi lấy ra hộp đậu phộng để cạnh bên.  Ama nói:

– Hồi nãy thuyền trưởng nói ngày mốt tàu qua Hamburg lấy hàng, có thể con về ở cảng Hamburg.

Nghe nói tàu chạy cũng thấy phấn khởi trong lòng, tôi đưa bia lên hô:

– Oh, tốt, tốt lắm!

Ama hớn hở đưa bia lên cụng. Để bia xuống, lấy một miếng phó mát, vừa tháo giấy nó vừa nói:

– Con gởi Nanda cho chú, thấy nó có gì hổng tốt, chú nhắc chừng dùm.

– Ok, nhưng chú nghĩ, cứ để nó tự nhiên đi, nó cũng biết cách xoay sở mà.

– Nhưng đi chung với mấy người đạo Hồi cũng khó lắm.

Tôi cười:

– Chuyện nhân danh đạo này đạo kia tranh chấp với nhau là chuyện ngàn đời.

– Nhưng đạo Hồi dã man lắm chú.

Rồi Ama kể tôi nghe, họ hàng nó đều theo đạo Chúa, trước kia ở trên một hòn đảo nhỏ, họ hàng ai cũng nuôi heo ăn thịt và biết uống rượu nên người đạo Hồi không ưa. Vì vậy mà một đêm kia, những người đạo Hồi tới bắt dượng của Ama đi, khi sáng ra thì thấy dượng bị chặt đầu nằm chết đưới gốc cây dừa. Chuyện này tôi cũng đã nghe ông Veman kể lâu rồi, Ama kể lại còn thiếu chi tiết là họ chặt đầu dượng của nó bằng dao golok. Nhưng gia đình giòng họ Ama quyết theo đạo Thiên Chúa, nên sau vụ đó cả họ hàng dời nhà ra Sumatra ở luôn cho tới bây giờ. Tôi nói:

– Chuyện lâu rồi, bây giờ là thế kỷ hai mươi mốt, chắc đâu còn cảnh chặt đầu bằng dao golok dã man như thế kỷ trước.

– Còn chớ chú, vì vậy mà con thù tụi nó lắm nên con hổng muốn quay về đảo nữa.

Tôi thở ra một cái, ngực như bị nghẹn. Đưa bia lên hớm một hớp, để bia xuống và nói:

– Chúng ta sống trong thời đại môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh, chiến tranh, tai trời ách nước, dễ bị tai nạn. Con còn mang thù hận làm gì cho mệt thân.

Ama đưa bia lên cụng, hớp một hớp và nhìn tôi chăm chăm. Nó nói mà cũng như hỏi:

– Chắc chú hổng biết hận thù là gì.

Tôi cười:

– Chú sống và lớn lên từ một đất nước chiến tranh và đầy thù hận thì làm sao hổng biết hận thù là gì.

Ama tưởng tôi khó chịu nên nó nhẹ giọng:

– Con xin lỗi chú.

Tôi cười và đưa bia lên mời, uống xong tôi nói:

– Trước ngày chú ra đi, chú nguyện với lòng mình, nếu có ngày trở lại mà chú có quyền có thế, thì chú sẽ tính sổ những người năm xưa đã cậy thế cậy quyền ăn hiếp chú. Con biết không, tới ngày chú về thì mấy người chú thù ghét năm xưa kẻ thì đã chết, người thì mang bịnh nằm liệt giường, chú thấy tội nghiệp chú còn cho tiền họ nữa. Cũng từ đó tới nay chú hổng còn biết tới hận thù là gì hết.

Ama cười ha ha và đưa bia lên cụng:

– Nói chuyện với chú con thấy thoải mái vô cùng. 

Thấy không khí trở nên vui vẻ tôi cao giọng ví von:

– Con người dù thông minh cỡ nào đi nữa, thì sức của một người cũng hổng làm gì được đâu. Bà phó tổng thống, ông thủ tướng, các ngài nghị sĩ, da trắng, da màu gì thì cũng bị nhiễm corona. Cho dù tài hoa, anh hùng, trí thức, lúc hắt hơi thì cũng giống như mọi người.

– Great! Uncle Tan!

– Thôi nhậu chơi cho vui đi, ngày mốt tàu chạy rồi, có sinh hoạt chắc trên tàu bớt tù túng, không khí trên tàu cũng thông thoáng hơn. 

Ama ngước cổ hớp cạn bia, nó bóp lon bia cho dẹp để vô ba lô, nó lấy thêm lon mới, đưa qua tôi và nói:

– Lâu rồi chú cháu mình chưa ghé Hamburg. Nhưng lần này trở lại, tiếc quá, chú cháu mình không có cơ hội đi thăm khu St. Pauli được nữa rồi.

.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dronten 20-4-2021

Xem chương 1

Xem chương 2

Xem tiếp chương 4

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/haihanhmuadaidich_3.htm


Cái Đình - 2021