Nguyễn Lê Hồng Hưng


Hải hành mùa đại dịch

Chương 4

 

Tàu rời bến Rotterdam từ trưa hôm kia, sáng nay đã tới vàm sông Elbe. Gần hai tháng qua tàu đậu bến chờ hàng, tuy thủy thủ đoàn sống không giống như cảnh tù tội, nhưng ở một nơi làm việc tà tà, ăn và nhậu riết rồi tinh thần mệt mỏi, nhàm chán nên sanh ra bốc đồng và thường hay cãi vã nhau. Khi tàu hải hành lại thì mọi người phấn khởi, vui mừng vì được thoát cái cảnh lẩn quẩn trên một con tàu.

Sáng nay mấy thủy thủ người In Đô thức sớm hơn mọi hôm, xuống phòng ăn sáng xong ra boong làm việc hết, trông người nào cũng vui tươi và đầy sức sống. Buổi sáng của đầu bếp cũng đã xong, tôi rót ly cà phê định bưng lên phòng vừa nhâm nhi cà phê vừa lên mạng rà đọc một cái gì đó như thường ngày, nhưng hôm nay tàu vô sông Elbe nên tôi bưng tách cà phê ra sau boong đứng. Tôi có thói quen hễ mỗi khi tàu chạy trên một dòng sông, vào những ngày nắng ấm cũng như những ngày đông giá lạnh, tôi hay ra boong đứng nhìn bầy chim nhàn bay trên khoảng không phía sau lái. Bây giờ là mùa xuân nắng hanh, gió nhẹ, khí trời man mác và bầy chim nhàn thảnh thơi bay theo lái tàu, thỉnh thoảng một con nhàn thấy cá ngay lập tức lao xuống sớt liền. Nước dưới dòng sông còn ròng nên màu vàng lợt và dòng sông không minh mông như những ngày nước lớn. Nhìn nước dưới lái tàu bị chân vịt quậy cuồn cuộn màu phù sa và nhìn hai bờ sông lớn rộng thênh thang làm lòng tôi bồn chồn xôn xao. Từ vàm sông Elbe vô cảng Hamburg khoảng chừng vài chục hải lý, nhưng tôi cũng thấy lòng dạ bồn chồn trông cho mau tới hải cảng. Trong tôi Hamburg còn có những thâm tình và nhiều kỷ niệm ngây ngô của thời trai trẻ. Ngoài ra tôi cũng ngưỡng mộ một hải cảng sống động nhờ những chiếc tàu buôn quốc tế ra vào với những chiếc đò chở đầy du khách bốn phương thưởng ngoạn trên sông và một thành phố đa văn hóa cũng nhờ con sông Elbe hùng vĩ, nhộn nhịp tàu bè ra, vô từ khắp nơi trên thế giới. Nếu không gì trở ngại thì chiều nay tôi sẽ hẹn vài người bạn ra hội quán nhậu lai rai, sau đó lên Reeperbahn xem trong mùa đại dịch này nó có thay đổi gì không.

Thuyền phó từ trên phòng lái đi xuống, nó dừng lại bên tôi hớn hở báo tin:

– Chiều nay thuyền trưởng già về.

Vừa ngắm sông vừa vu vơ suy nghĩ. Chợt nghe tiếng thuyền phó, tôi day lại và nói:

– Oh, vậy hả?

– Oleg xuống thay. Ông còn nhớ Oleg không?

– Nhớ chớ, Oleg Bugrov?

– Đúng rồi.

– Oleg nghe có ông ở đây, ông ấy gởi lời chào.

– Oh, cám ơn.

Nó cười hì hì rồi đi tới chỗ Edy và Nando đang lui cui rút dây lái ra sắp gọn để chuẩn bị cho tàu ghé bến, nó căn dặn hai đứa cái gì đó rồi day lại tôi, nó nói:

– Tui vô ăn sáng, ông chiên cho tui hai cái trứng được không?

– Sorry, trứng hết rồi, trưa vô Hamburg mới lấy thêm thực phẩm, còn bánh mì, thịt nguội, phó mát tao để ở trên bàn, mày vô lấy ăn đi.

Tàu sắp vô bến người nào việc đó, bận rộn lu bù. Tôi là đầu bếp trên tàu, ngoài những lần thực tập cứu hộ hoặc phòng cháy, chữa cháy ra tôi không phải bận tâm với công việc ngoài boong, vì vậy trong những ngày không thực tập tôi không biết tới mũi tàu và khoang tàu ra sao hết. Tôi cũng không cần phải bận tâm tới chuyện người này nói người kia, nhưng tôi chỉ để ý tánh tình mỗi người và mỗi sắc dân. Có lẽ chung chạ với nhiều giống người và tiếp xúc nhiều văn hoá khác nhau, nên nói chuyện một vài lần với một người nào đó, tôi có thể biết được tánh tình của họ, biết để mà cư xử sao cho hợp thôi chớ hổng phải để so đo với ai hết. Bởi vì thức ăn của tôi nấu cho tất cả mọi người ăn đều có hương vị và chất lượng ngon hoặc dở giống như nhau, miễn sao nấu ngày nào họ ăn hết ngày nấy, thức ăn ít thừa mứa đem đổ bỏ là tôi yên tâm.

Có điều là chung sống với nhiều giống người trong nhiều chế độ và tín ngưỡng khác nhau, tôi nhận thấy những người trong khối Cộng Sản Đông Âu trước kia, kể cả người Nga khi mới qua Hoà Lan làm việc, phần đông họ nghĩ các nước bên Tây Âu giàu lắm, trên tàu cái gì cũng có và ăn uống được tự do, nên khi xuống tàu cần thứ gì thì họ xuống kho lấy thứ đó, ngang nhiên vô bếp lục lạo và gây khó khăn cho đầu bếp. Thật tình thì lúc đầu tôi cũng không ưa những loại người này lắm, chửi lộn hoài, nhất là với người Nga. Nhưng khi nhớ lại, hồi mới tới Hoà Lan tôi cũng có ý nghĩ như họ, nhưng tôi là người tị nạn Cộng Sản và may mắn được định cư trong một xứ sở tự do, giàu, đẹp và nhân văn, sau một thời gian dài tôi mới thấm nhuần tự do và nhân bản. Dần dà tôi cũng hiểu ra, con người lúc nào cũng hướng về những điều tốt đẹp, ngoài những người Nga già cả, đầu óc còn bảo thủ, sống ích kỷ ra, phần đông đám trẻ học hỏi rất mau, vui vẻ hoà đồng với mọi người và sống cũng rất là văn minh, giống như cái cây đương trồng một nơi thiếu ánh mặt trời, mặt trăng và đất đai cằn cỗi, còi cọc, héo úa, nay được thay đất thêm phân giữa bầu trời tinh khiết nó tự do nhảy ra nhiều nhánh trông tươi tắn hẳn lên.  Khi ngộ ra điều đó tôi liền thay đổi cách nhìn về con người, không phân biệt, biết cảm thông và chia sẻ, thử hỏi nếu ngày xưa tôi kẹt lại trong chế độ Cộng Sản thì tôi sẽ ra sao, biết đâu còn tệ hơn họ nữa, cho nên khi nói chuyện với họ tôi tránh những lời lẽ phân biệt để khỏi mích lòng. Tôi có thể nhường nhịn mọi người, chịu thiệt thòi đôi chút, ngoại trừ người nào có thói quen vô kỷ luật, không tôn trọng giờ giấc ăn uống, hống hách, ỷ có chút địa vị rồi lên mặt, coi thường người khác thì tôi phải dùng ngôn ngữ chợ búa ra đối xử với họ.

Hồi mới qua Hoà Lan làm việc, có lẽ Oleg nghĩ làm thuyền phó rồi muốn ăn gì thì ăn, cho nên nó xuống kho lấy nguyên một hộp bánh ngọt và cả một lít kem đem về phòng dự trữ. Một tháng đặt hàng được mười lăm lít kem, tám hộp bánh ngọt, đầu bếp phải phân ra mỗi tuần chỉ được ăn kem một lần vào ngày chủ nhật và một hộp bánh ngọt cho officers, một cho thủy thủ. Theo luật lệ trên tàu thì không ai được phép xuống kho tự lấy thức ăn, tuy nhiên tôi biết cũng có nhiều người lén xuống kho lấy ăn, nhưng chút đỉnh tôi làm lơ, nhưng Oleg nó lấy nhiều quá nên tôi mới lưu ý nó. Thường thì những người Nga lớn tuổi còn máu cộng sản trong người hay ỷ quyền và xem đầu bếp như người phục vụ, nên hay sai đầu bếp làm này làm kia, khi bị tôi lưu ý và nhắc nhở thì họ cự nự có khi làm dữ nữa, nên tôi phải dùng lời lẽ nặng nề chửi cho một trận họ mới chịu yên. Oleg thì không, nghe tôi cảnh cáo nó liền đem bánh đem kem trả lại và xin lỗi, cũng từ đó mỗi khi lên bờ nó mua kem và bánh ngọt đủ loại, kem nó nhét trong hộc tủ đông trong phòng của nó hổng hết, phần còn lại đem xuống gởi tôi cất trong phòng đông lạnh, thỉnh thoảng nó cũng lấy kem, lấy bánh mời tôi ăn.

Thường thì thủy thủ làm việc không nhất định trên một chiếc tàu, cho nên những gương mặt thủy thủ đoàn mà tôi không thường tiếp xúc qua lại ít khi tôi nhớ. Oleg là một trong những người Nga để lại trong tôi ấn tượng. Tôi còn nhớ lần đầu tôi trò chuyện với nó, nó hỏi:

– Ông là nhà văn?

– Không, tao là nhà bếp.

– Nghe nói ông viết văn mà.

– Oh, hobby thôi.

– Ông là người Việt mà tôi tưởng là người In Đô.

– Câu này tao cũng nghe nhiều người nói.

– Thấy ông thân thiện với người In Đô hơn.

– Tao đã sống chung với họ cả đời rồi. À, bộ mày hổng nghe tao nói chuyện với họ bằng tiếng gì sao?

Oleg ngẩng người ra ừ hử. Tôi nhìn thẳng mặt nó, hơi bị ngượng nó niễng mặt qua một bên. Cái thằng trông cũng đẹp trai, thông minh và có vẻ dễ gần gủi hơn những người Nga lớn tuổi. Tôi bắt chuyện:

– Bộ tao hổng thân với mày sao?

– Có, nhưng ít thấy ông cười.

Tôi cười lớn và nói:

– Oh! Chuyện cười à? Mày phải nói người Nga của mày mới đúng.

Nó chưa hiểu ý tôi nên hỏi:

– Ông nói người Nga sao?

– Theo tao thấy thì người Nga của mày mới là người có gương mặt buồn bã và ít cười nhứt thế giới.

Nghe tôi nói vậy nó phá lên cười ha hả và nói:

– Tui là người Nga và cũng biết cười mà.

Tôi cười và nhìn nó nói giọng khôi hài:

– Lần đầu tiên tao thấy một người Nga biết cười và còn biết dí dỏm nữa.

Lúc vui vẻ lắng xuống, nó nói với giọng nghiêm túc:

– Thật ra thì những người lớn tuổi ít tiếp xúc thế giới bên ngoài nên họ ngại cười.

– Sống trong chánh quyền sao thì con người ra vậy. 

Nó nhìn tôi cũng vẫn chưa hiểu ý tôi nói gì, nó hỏi:

– Ông nói sao?

Thật ra thì từ ngày biết nước Nga qua thành phố Leningrad và vài ba hải cảng trong vịnh Phần Lan, tôi thường hay thắc mắc những học giả, nhà văn và nhà báo và cả các nhà cách mạng của miền Bắc nước Việt Nam thời đó, mấy ông mấy bà qua Nga học hỏi nghiên cứu cái giống gì hổng biết mà một xã hội có những con người với bộ dạng mệt mỏi, ban ngày giống như những cái xác không hồn, về đêm thì đi như những bóng ma giữa một thành phố đẹp lộng lẫy và văn minh, nhưng bị chế độ Cộng Sản tàn phá tanh bành té bẹ. Xe cộ cũ xì, đường xá ổ gà, ổ voi; xe bus, xe điện chạy xụp xuống một cái thì sét rớt lộp độp, khớp xe nghiến nhau nghe ken két và khua rổn rảng. Vậy mà mấy ông, mấy bà viết ra thành cái thiên đường rồi trở về nước đem in thành sách, phổ biến, tuyên truyền ca ngợi ầm ỹ cho dân chúng cả ba miền đất nước Việt Nam về cái chủ nghĩa xã hội liên xô giàu đẹp. Cho mãi tới ngày hôm nay, chiến tranh đã qua nửa thế kỷ rồi, những sự thật đã sáng tỏ, vậy mà vẫn còn những nhà báo hay nhà văn Việt Nam, cũng cách viết giả tưởng đó, đem ra phân tích nụ cười của người Nga. Theo những người này thì: “Trong nhận thức giao tiếp của người Nga, có một quy tắc: nụ cười phải thực sự phản ánh tâm trạng tốt và mối quan hệ tốt. Đó là lý do vì sao các nụ cười Nga là điều hiếm hoi và chỉ xuất hiện trong những trường hợp được coi là thích hợp, thể hiện một cảm xúc hạnh phúc thực sự...” Cười mà cũng phải có quy tắc?! Nhưng dù gì đi nữa thì chuyện đã qua nửa thế kỷ rồi. Oleg nó có biết gì đâu và tôi cũng đã thấy những người Nga lớn tuổi dần dần biến mất, nhường lại đám trẻ đầu óc còn trong trắng học hỏi được văn minh trong những quốc gia tiên tiến, sống biết vui vẻ và hoà đồng với mọi người.

Tôi nói với Oleg:

– Mày thấy những lãnh tụ các nước Cộng Sản có ông, bà nào cười được tươi đâu.

Nó định nói gì nhưng nghĩ sao đó, nó hỏi:

– Ông có tới Nga lần nào chưa?

– Có, tao tới thành phố St. Petersburg hồi còn mang tên Leningrad.

– Ông có ấn tượng gì không?

Thật ra thì ấn tượng tôi có rất nhiều về St. Petersburg và tôi cũng đã ghi chép lại những gì tai nghe mắt thấy từ khi thành phố St. Petersburg còn nghèo nàn, tan hoang cho tới khi phát triển tốt đẹp như ngày hôm nay. Không muốn dài dòng nên tôi cũng chỉ nói ngắn gọn: 

– St. Petersburg hồi còn là Leningrad trông nó giống như một cô hoa hậu thế giới bị bọn côn đồ hãm hiếp đến thân tàn ma dại. Nhưng từ ngày lấy lại tên St. Petersburg nó tràn trề sức sống và phát triển rất mau, tốt lắm, đẹp lắm...

Oleg cười ha hả rồi nói:

– Ông nói chuyện nghe vui quá.

Về Oleg tôi nhớ được bao nhiêu và cũng từ sau chuyến đó tôi không còn có dịp đi chung với nó nữa. Nghĩ tới đây thì chợt thấy dưới nước sau lái tàu, một bầy cá con đang nhảy lưng tưng trên mặt nước đục ngầu. Oh! tàu vừa cán lên một bầy cá nhỏ, thấy chúng rộn ràng trông cũng vui mắt. Chợt chạnh lòng khi thấy trên không bầy chim nhàn xôn xao như xông trận, chúng tăng tốc, nhấp cánh lia lịa rồi lấy trớn lao như tên bắn xuống đớp những con cá con tội nghiệp. Chậc! Giá mà tàu không cán lên bầy cá thì giữa cá và chim sống trong hai thế giới, dưới nước và trên không thanh bình biết bao nhiêu.

Edy và Nando sắp xếp xong dây chạc, hai đứa đứng lên, đi tới trước mặt tôi, Edy hỏi:

– Chú biết thuyền trưởng Oleg hả?

– Ờ, chú biết lúc ông ta còn là thuyền phó.

Nó đưa ngón tay lên gặt gặt:

– Oleg là thuyền trưởng tốt?

Tôi vỗ vỗ lên vai Edy:

– Con siêng năng làm việc là được rồi. Để ý tới thuyền trưởng tốt hay xấu làm gì.

– Ờ ờ... chú nói đúng.

Edy day ngang nói tiếng In Đô với Nando gì đó, rồi hai đứa chào tôi đi ra phía trước.

Sau buổi ăn trưa tàu ghé cảng Hamburg. Khi tàu đã yên vị và máy tàu đã tắt thì người giao hàng cũng vừa xuống đưa tôi danh sách thực phẩm để kiểm tra. Nghĩ cũng buồn cười, đầu bếp đặt hàng, thuyền trưởng kiểm tra xong gởi về công ty, công ty kiểm tra lại một lần nữa rồi mới gởi đặt mua. Đầu nậu giao hàng thứ gì phải nhận thứ đó, đầu bếp không được trả lại những thứ không vừa ý, vậy mà cũng đưa danh sách kêu đầu bếp kiểm tra. Trong lúc chờ đợi hàng chuyển xuống, tôi nhớ lại hồi mới làm đầu bếp, tôi làm dưới quyền một vị thuyền trưởng hiền hậu, ông chỉ dạy tôi rất nhiều điều hay, tôi nhớ hoài câu chuyện ông đã dạy trong lúc tôi đang nêm nồi xúp nấm. Ông vô bếp lấy một cái trứng đưa lên ông hỏi tôi:

– Làm sao một cái trứng mà chia đều cho cả tàu ăn ? 

Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu:

– Hổng biết.

Ông liền đập cái trứng bỏ vô chén và đánh cho tròng trứng hoà nhau, sau đó tay trái cầm cái dá múc canh, tay phải bưng chén trứng trút vô nồi rồi ông quậy cho trứng quệnh vào xúp. Xong ông day qua hỏi tôi:

– Hiểu rồi phải không? 

Vỡ lẽ ra tôi hô: 

– Yes sir!

Khi ông đi rồi tôi cảm thấy mắc cỡ, vì lúc đó tôi lo ăn uống cho đám officers nhiều hơn đám thủy thủ ngoài boong. Từ sau bài học đó tôi đã hiểu như thế nào là bình đẳng và mỗi khi thấy chuyện bất công thì tôi nhớ tới bài học cái trứng và nồi xúp nấm mà thuyền trưởng đã dạy tôi cách đây hơn ba chục năm. Thật ra thường những thuyền trưởng tư cách rất cao, ngoài việc điều hành trên tàu ra, ông còn lo sức khoẻ cho thủy thủ đoàn, nếu thuyền trưởng lớn tuổi thì coi thủy thủ như con, thuyền trưởng trẻ thì xem thủy thủ như anh em. Từ ngày có người Nga qua làm việc mới xuất hiện vài thuyền trưởng có đầu óc kỳ thị, trước khi đổi về biết thuyền trưởng người Nga xuống thay thì ông đặt thực phẩm bớt lại chơi cho bỏ ghét. Những món tôi đặt đều không thiếu, nhưng số lượng thì món nào cũng bớt một hai phần, có món bớt phân nửa. Biết trước như vậy nên tôi chỉ xem những món tôi cần có đủ không, nếu thấy món nào thiếu thì tôi ghi lại, sau đó tôi đưa cho thuyền trưởng mới để ông ta giải quyết, còn chất lượng của thực phẩm thì khỏi cần xem tôi cũng biết toàn là những thứ rẻ tiền.

Trong lúc mọi người đang chuyển hàng xuống kho. Thuyền trưởng già áo quần tươm tất, mang khẩu trang xệ dưới càm. Đi tới hỏi tôi:

– Tất cả đều tốt?

Tôi nhún vai:

– Tốt xấu gì ông cũng biết mà.

Ông cũng nhún vai, nói:

– Xe bus chờ trên bến tao về đây.

– Ok, ông đi bình an.

Đoạn ông day qua mấy thủy thủ, đưa tay chào từ biệt rồi ông đi lên bến. Khi ông ra khỏi cửa, Nando đưa hai tay lên trời mừng rỡ hô to:

– Oh yéé... vậy là hổng còn BBQ cuối tuần nữa.

Mọi người cười rộ. Tôi lắc đầu cười nói với tụi nhỏ:

– Chậc, được ăn nhiều cũng phàn nàn, nếu gặp những viên thuyền trưởng keo kiệt, tụi con có thèm BBQ cũng hổng có để mà ăn.

Nhận hàng xong tôi lo cho buổi ăn chiều, đương lui cui múc thức ăn ra dĩa thì Oleg đi vô vồn vã bắt tay, không theo luật đề phòng dịch gì hết, sau khi hỏi thăm sức khoẻ, nó đưa tôi gói kẹo:

– Cho ông nè.

Tôi cầm lấy gói kẹo và chỉ tay qua phòng ăn nói:

– Cảm ơn, thuyền trưởng vô ăn luôn đi.

Oleg chào tôi rồi đi qua phòng ăn, lúc đó Ama đi vô, nó phụ tôi lấy thức ăn cho thủy thủ. Tôi hỏi nó:

– Chừng nào con có chuyến bay?

– Chiều mai, vì hổng có chuyến bay Hamburg qua Frankfurt nên sáng mai con phải đi chuyến xe lửa sớm tới Frankfurt.

– Corona, phiền phức quá.

Sau bữa ăn chiều Ama vô phụ tôi dọn dẹp, xong nó day ngang bắt tay tôi và nói:

– Sáng con đi sớm, chắc không gặp chú.

Tôi đưa tay vỗ vỗ vào vai nó:

– Ok, thăm gia đình con, đi đường bình an.

***

Hải cảng Hamburg là một trong những hải cảng quốc tế lớn đứng thứ nhì Âu Châu. Mùa hè là thời điểm thích hợp để du khách khám phá thành phố cảng. Du khách có thể đi tours để khám phá lịch sử của hải cảng quan trọng này, những chuyến đò hiện đại đưa du khách qua các kinh đào, qua những cây cầu kiến trúc lâu đời... Nói chung dòng sông Elbe, trước mùa dịch, lúc nào cũng nhộn nhịp tàu bè vô ra. Cũng vì đại dịch mà làm cho tàu bè thưa thớt trên dòng và những chuyến đò hiếm hoi, vắng vẻ bóng du khách đến từ bốn phương.

Hồi sáng tôi còn nôn nao chờ tàu ghé bến, dự định trước tiên tôi sẽ lên Seaman’ Club Duckdalben, điểm dừng chân tuyệt vời cho thủy thủ bốn phương, sau đó lên dạo phố Hamburg. Nhưng khi biết quán bar của hội quán đóng cửa, chỉ có cửa hàng mở bán những món thủy thủ cần dùng. Xe bus hội quán rước mỗi chuyến được hai người, những người lên xe phải mang khẩu trang và ngồi giữ khoảng cách đúng tiêu chuẩn phòng dịch. Chiều nay đứng nhìn dòng sông Elbe vắng vẻ và kè đá của bến cảng còn nhiều khoảng trống, chỉ có vài chiếc tàu buôn đậu rời rạc. Bên kia bến đợi, những chiếc tàu du lịch tầm cỡ quốc tế có lớn, có nhỏ đang đậu lại im lìm, trông trống vắng lạnh lùng. Nghĩ tới những thủ tục rườm rà khi lên bến thì sự nôn nao, háo hức lúc ban sáng biến đâu mất. Lòng nghe buồn bã nên tôi hổng muốn đi đâu nữa hết.

.

Bắc Đại Tây Dương 22-11- 2020
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Xem chương 1

Xem chương 2

Xem chương 3

Xem tiếp chương 5

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/haihanhmuadaidich_chuong4.htm


Cái Đình - 2021