Nguyễn Lê Hồng Hưng


Hải hành mùa đại dịch

Chương 5

.

Hồi hôm nghe tiếng tàu đề máy tôi giựt mình thức giấc, biết tàu khởi hành nhưng giờ đó không phải giờ tôi làm việc, tôi lăn người trở mình làm chiếc mền tuột rớt xuống sàn, tôi cúi xuống kéo mền lên đắp lại rồi ngủ tiếp. Không hiểu sao tôi ngủ mê man tới khi đồng hồ reo mới giựt mình thức dậy. Thường thì tôi thức sau bốn giờ sáng, pha một tách cà phê đen đậm bằng nước lọc, không đường, không sữa rồi đem lên phòng, mở laptop ra vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc, đọc xong rồi gõ bàn phím viết lưu lại những chuyện xảy ra trên tàu, cho tới khi đồng hồ reo tôi mới ngưng. Sợ mê đọc và viết quên giờ làm việc, nên tôi chỉnh đồng hồ reo đúng sáu giờ sáng, để nó nhắc nhở tôi đã tới giờ tập thể dục trước khi bắt tay làm việc. Nhưng tối hôm qua tôi ngủ say như chết, cho tới khi đồng hồ reo, tôi lật đật ngồi dậy, đi vội xuống bếp chỉ kịp lấy chai nước lọc đổ vô máy pha cà phê, rót cho mình một tách và bưng ra boong. Định uống hết tách cà phê rồi tập thể dục, nhưng thấy cảnh bên ngoài hấp dẫn quá nên tôi đứng ngắm.

Chuyến này tàu nhận chuyển hàng từ Hamburg lên Stockholm, thủ đô của nước Thụy Điển, nếu tàu muốn đi tới Stockholm thì phải băng ngang con kinh đào Kiel để vô biển Baltic. Tàu đã vô kinh Kiel hồi sáng sớm và chạy một đoạn cũng khá xa rồi. Bất cứ tàu lớn, tàu nhỏ gì hễ vào kinh chỉ được phép chạy bảy hải lý một giờ. Những chiếc tàu buồm du lịch màu trắng nho nhỏ xếp buồm chạy bằng động cơ dọc bên bìa kinh và ở giữa dòng những chiếc containers trên ngàn tấn nối đuôi chạy thẳng hàng trong sương pha loang loáng, mặt dù nhiều tàu xuôi ngược trong kinh nhưng rất trật tự và không gây tiếng ồn ào nên trông quang cảnh rất là thanh bình. Tôi để tách cà phê lên đầu cột trụ rồi đi vô phòng lấy chiếc điện thoại thông minh trở ra chụp dọc theo dòng kinh, chụp xong mấy bôi, tôi lại đầu cột trụ bưng cà phê hớp một hớp, cà phê nguội ngắt, tôi ngước cổ ực một hơi hết sạch. Tôi bấm điện thoại xem đồng hồ, gần bảy giờ rồi, không còn đủ giờ tập thể dục nữa. Tôi đi vô phòng tắm sửa soạn đánh răng rửa mặt, nhưng khi vặn vòi nước thì thấy màu nước pha sét vàng khè, tôi nghĩ thợ máy đang thay đổi bồn nước hay đang sửa chữa gì đó. Tôi trở ra phòng ngoài lấy chai nước lọc đem vô rửa mặt đánh răng, xong rồi trở ra thay quần áo và bắt đầu công việc cho ngày mới. Tôi đi xuống mở thử vòi nước trong phòng bếp, vẫn đục ngầu, bèn day qua nhấc điện thoại lên gọi xuống hầm máy hỏi về nguyên do nước bị sét, người phụ máy cho biết, ống dẫn của bồn nước bị bể nên nước chảy hết rồi, chờ tàu tới Kiel ghé xưởng sửa chữa xong sẽ lấy nước khác. Định điện thoại lên hỏi thuyền trưởng chuyện nước nôi thì thuyền phó và Edy xuống tới, mặt hai thằng còn ngái ngủ, đã vậy mà thuyền phó vừa nhăn nhó vừa chửi thề nên trông mặt mày nó bèo nhèo như cái nùi giẻ lau sàn tàu. Nó càu nhàu:

– Hổng có nước đánh răng, rửa mặt!

Tôi nói:

– Hồi sáng tao đánh răng rửa mặt bằng nước lọc.

Thuyền phó hô:

– Oh, ý kiến hay.

Edy thì đưa ngón tay lên gặt gặt.

– Tốt, tốt...

Nói xong hai đứa liền day lưng đi trở lên tầng trên, tôi đoán chừng tụi nó lên phòng lấy nước lọc để rửa mặt, đánh răng. Tôi day ngang nhấc điện thoại quay gọi thuyền trưởng hỏi ông cho tôi lấy mấy can nước dự phòng khi tàu gặp nạn để xài. Nhưng ông kêu tôi chờ chút để ông gọi thuyền phó lấy nước cho tôi. Vừa để hộp điên thoại xuống thì thấy thằng nhỏ mới đổi xuống thay cho Ama đứng lấp ló ngoài cửa bếp, thấy tôi nó chào:

– Chào chú.

Nó chìa tay ra định bắt, tôi cười và đưa cùi chỏ ra, nó rụt tay lại và miễn cưỡng đưa cùi chỏ lên cụng một cái. Xong nó tự giới thiệu:

– Con là Philip, em của Sam, mới đi chuyến đầu.

– Chào mừng xuống tàu. Hồi hôm con xuống tàu lúc mấy giờ?

– Dạ, mười một giờ.

Tôi chỉ tay qua máy cà phê, nói:

– Con lấy cà phê uống đi, chắc còn được một tách.

Nó lắc đầu nói:

– Con hổng uống cà phê.

Ngập ngừng một chút, nó rụt rè hỏi:

– Hôm qua con đi cả ngày hổng ăn gì hết, chú có gì ăn không?

Tôi chỉ tay qua phòng ăn nói:

– Con vô trong phòng ăn, phó mát, thịt nguội, bánh mì, nước trái cây và sữa chú để trong tủ lạnh, con coi thứ nào ăn được thì lấy ăn.

– Xin lỗi chú, con đạo Hồi, hổng ăn thịt heo. Chú có mì gói không?

Không biết người đạo Hồi ở những nước khác như thế nào, chớ người đạo Hồi ở In Đô phần đông mới xuống tàu họ giữ giới rất kĩ, hổng ăn thịt heo, hổng uống bia rượu, ra vẻ ta đây là người đạo đức hoặc là thánh nhân và muốn người khác phải phục vụ cho mình. Đôi khi là người In Đô với nhau cũng khó chịu và còn đố kỵ với nhau, có vài người đạo Thiên Chúa hổng ăn thịt cừu mà ăn thịt heo, ngồi trước mặt mấy người đạo Hồi họ ăn thịt heo ngon lành và cố ý ra vẻ ăn rất bạo, họ ăn để chọc tức mấy người đạo Hồi cho bỏ ghét chớ chớ hổng ăn vì Chúa. Nhưng phải nói là người đạo Hồi thứ thiệt thì sống đời thủy thủ có hơi khó khăn, nói đúng là sống không được. Tôi thấy một vài người đi chưa hết hợp đồng đã cuốn gói về nước, và có nhiều người cố gắng đi hết hợp đồng rồi về luôn không trở qua nữa, nguyên do cũng tại vì tàu của Hoà Lan thịt heo nhiều quá và những thứ thức ăn chế biến của Hoà Lan thường dùng mỡ heo. Phần đông đạo Hồi người In Đô hổng đọc hoặc hiểu kinh Koran, ban đầu mới xuống còn nghiêm túc giữ đạo, đi được một thời gian thì phá giới uống bia, rượu, hổng ăn thịt heo thì cũng ăn được da heo chiên dòn, hễ có dịp đổ bộ thì đi vô khu đèn đỏ tìm đĩ rẻ tiền mà chơi. Trước kia thấy những chuyện như vậy tôi bất bình hay chọc ghẹo nói xiên nói xỏ. Nhưng rồi một ngày tôi nhận ra khắp nơi trên thế giới này, cũng vì ba cái vụ đạo này đạo kia mà con người ta sanh ra đố kị rồi thù oán, cá nhân thì mỉa mai, chửi bới thậm chí đánh nhau lỗ đầu chảy máu. Cùng một giống nòi hổng ưa nhau cũng vì người theo đạo này, người theo đạo nọ, đạo ăn thịt heo, đạo ăn thịt bò không ưa nhau; cùng là con Phật người ăn chay hổng ưa người ăn mặn. Còn tầm cỡ quốc tế thì nước này gây chiến với nước kia, đánh nhau tơi bời hoa lá cũng vì đạo khác nhau mà người ta gọi là thánh chiến. Thiệt ra thì đạo nào cũng truyền bá thông điệp về tình yêu, vậy mà hễ nghịch nhau thì bị khủng bố, hăm he bắn giết, chặt đầu, bâm thây, đốt nhà cướp của. Tôi nhìn thằng nhỏ, mới bước vào cuộc sống hải hồ còn non nớt, bỡ ngỡ, rụt rè nhưng không biết nó giữ giới được bao lâu, hay là lao vào đời sống tranh đua một thời gian sẽ lơi là chuyện đạo cũng giống như những bậc đàn anh, đàn chú đi trước nó. Tôi bưng ấm nước lên, trong ấm không còn chút nước nào hết. Tôi day lại nói với Philip:

– Hổng có nước làm sao nấu mì.

Thằng nhỏ ra chiều thất vọng định quay đi. Tôi chợt nhớ ra:

– À...à... con chờ chú chút xíu, chú nấu mì cho.

Tôi lấy chai nước lọc đổ vô chiếc ấm điện bấm nút nấu, mở gói mì bỏ vô tô và đập thêm một cái trứng, chờ nước sôi tôi chế lên mì rồi lấy cái dĩa làm nắp đậy, tôi bưng tô mì qua phòng ăn để vô lò vi sóng, bấm hai phút. Tôi trở vô bếp mở hộc tủ lấy muỗng nĩa đưa cho Philip và dặn:  

– Khi nghe tiếng chuông, tức là mì đã xong, con tự bưng ra ăn nhé.  

– Dạ, con biết rồi, cám ơn chú.

Cùng lúc đó thuyền phó cũng vừa đi xuống, mặt mày tươi tắn, sáng sủa lên, nó đưa chùm chìa khoá ra lắc lắc nghe rột rẹt và nói:

– Tui xuống kho lấy nước cho ông.

Nó xuống kho một lát sau hai tay xách lên hai lố nước lọc để lên mặt bàn, tôi ngạc nhiên hỏi:

– Thuyền trưởng kêu mày lấy nước này cho tao nấu ăn hả?

– Ừ.  

– Nhưng hai lố đâu có đủ.

Nó lật đật xuống kho hai tay xách lên hai lố nước nữa và nó tháo chìa khoá kho máng lên cái móc trên vách rồi dặn tôi:

– Thuyền trưởng dặn tui để chìa khóa cho ông, khi nào thiếu nước ông cứ xuống kho lấy.

Tôi định hỏi sao hổng lấy mấy can nước dự trữ, nhưng nghĩ lại, một lố nước lọc sáu chai, mỗi chai một lít rưỡi giá tiền chưa tới ba euro, nấu nướng một ngày năm bảy chục lít cũng hổng sao, còn phần rửa ráy lặt vặt thì tôi lấy sô chứa nước sét để lóng lại xài cũng được. Coi như chuyện nước nôi đã giải quyết xong và tôi bắt tay làm việc, tôi đổ nước vô máy pha cà phê rồi day ngang mở điện lò và ra phòng ăn dọn cho bữa ăn sáng. Trong lúc tôi dọn bàn thì nghe tiếng chào:

– Chào ông Tấn.

Tôi ngó lên thấy Anatoli thợ máy người Estonia. Có hơi ngạc nhiên tôi hỏi:

– Ông xuống hồi nào?

– Hồi khuya.

– Sao tui hổng nghe ai nói hết.

Ông nhún vai nói:

– Tui hổng biết.

Chuyện thay đổi người hoặc tin tức này nọ trên tàu thường thì thuyền phó nói cho tôi biết, nhưng có lẽ mấy hôm nay bận rộn chuyến hàng nên nó hổng có thời gian để thông báo. Thợ máy hỏi:

– Ông có cà phê không?

Tôi chỉ tay vô bếp:

– Có, ông vô bếp lấy đi.

Tàu qua kinh Kiel lúc khuya, thủy thủ thức làm việc cho tới khi tàu vô kinh mới ngủ, sáng nay thủy thủ ngủ bù nên tôi không dọn bàn ăn, với lại người In Đô ăn sáng cũng dễ, trên tàu bơ, sữa, dăm bông, phó mát và mứt trái cây để đầy tủ lạnh nhưng ít khi người In Đô rớ tới, họ thường ăn mì gói với cái trứng luộc hoặc cơm nguội với trứng chiên omelet là xong. Tôi dọn bàn xong trở vô bếp, thì thợ máy lấy cà phê rồi đi đâu mất, có lẽ ông ta xuống hầm máy. Tôi lấy nồi đổ mấy chai nước vô hầm xương để nấu súp, chỉ mới pha cà phê và hầm xương bò mà hết bốn chai nước lọc rồi. Hôm nay tôi định làm món hachee, ăn với cơm trắng hoặc khoai tây luộc và bắp cải đỏ hầm táo, hachee là món thịt bò hầm với củ hành tây, món ăn truyền thống của Hoà Lan và hợp khẩu với phần đông người Hoà Lan, chớ người nước khác thì không khoái khẩu lắm, trên tàu chỉ có một thằng nhỏ phụ máy là người Hoà Lan. Thật ra thì trên tàu đầu bếp nấu món gì thủy thủ đoàn phải ăn món đó, không ai có quyền ọ ẹ, theo luật là như vậy, chớ người nào hổng ăn và cũng hổng ọ ẹ thì hổng lẻ lấy thức ăn nhét vô họng bắt họ ăn. Tôi hổng muốn thức ăn của mình bỏ công ra nấu mà ít có người thưởng thức, bị dư thừa rồi đem đổ bỏ. Tôi quyết định thay món hachee ra món bò hầm cà rốt, khoai tây ăn với cơm trắng, món súp tôi đổi lại món borsch, món này nổi tiếng của nước Đông Âu và Nga, dân nước nào ăn cũng thấy ngon. Tôi day qua lấy thịt bò ra định xắt thì thuyền trưởng điện thoại hỏi chuyện nước nôi và hỏi tôi có bị rắc rối gì nữa không? Tôi nói:

– Tất cả đều tốt nhưng kho nước lọc của ông từ đây tới chiều tốn hao nhiều lắm đó.

Thuyền trưởng cười ha hả và nói:

– Không thành vấn đề.

Tôi định gác máy, nhưng ông nói tiếp:

– À, Bếp làm thêm hai phần ăn cho buổi trưa và bây giờ thì phiền Bếp làm hai phần ăn cho người lái tàu và hoa tiêu nhé, Edy sẽ xuống bưng lên cho họ.

– Yes sir.

Tàu qua ngang kinh Kiel phải dùng hoa tiêu và người lái tàu của địa phương, cho nên mỗi lần qua đây khỏi cần thuyền trưởng nhắc nhở tôi cũng nấu thêm hai ba phần ăn. Trong lúc tôi sắp bánh mì ra dĩa, trét bơ, để lên mấy miếng phó mát và bắt chảo lên lò định chiên trứng thì Edy xuống. Tôi ngạc nhiên nói:

– Oh, sao lẹ vậy ?

– Thuyền trưởng vừa gọi, con xuống liền.

Thấy tôi đang đập trứng bỏ vô chảo, nó nói:

– Để con phụ chú, chú chiên trứng đi.

– Ok.  

Chuyện mấy đứa vô bếp phụ tôi làm không phải bắt buộc, tuy nhiên mấy đứa thích phụ tôi lắm, nhưng tôi cho vô bếp chỉ một đứa thôi, trước đây Ama phụ, Ama về rồi Edy xin vô phụ. Edy mở tủ lấy chiếc mâm vuông, lấy giấy lau gói dao, nĩa lại để lên mâm và  lấy tách rót nước trái cây. Edy dọn mâm xong thì tôi cũng vừa chiên trứng để lên bánh mì và tôi để hai phần ăn lên mâm cho Edy bưng lên phòng lái. Edy vừa đi thì thuyền phó cũng vừa tới, nó ló mặt vô bếp hỏi:

– Bếp có thể chiên cho tôi hai cái trứng sunny-side up (mặt trời chiếu ngược, tức là trứng chiên một mặt) được không?

Tôi nhìn lên đồng hồ trên vách, nãy giờ lo chuyện nước nôi làm lố giờ ăn sáng rồi, tôi day qua nói:

– Dĩ nhiên, nhưng mày phải chờ.

– OK.

Tôi chiên trứng dọn ra bàn cho thuyền phó thì thấy thằng nhỏ phụ máy đã ngồi trong bàn ăn hồi nào, tôi hỏi nó:

– Mày ăn trứng không tao chiên luôn.

Nó lắc đầu:

– Không, cám ơn Bếp.

Tôi trở vô bếp thì thấy Edy đứng khoanh tay trong góc bếp. Tôi hỏi:

– Sao con hổng ngủ?

– Ăn xong con ngủ.

– Oh, vậy con ăn mì gói không chú nấu.

Nó dở nắp nồi cơm, thấy còn cơm nguội, nó day ngang lấy dĩa vừa bới cơm vừa hỏi:

– Chú chiên trứng cho con được không?

– Dĩ nhiên.

Nó bưng cơm đem bỏ vô lò vi sóng, tôi đánh trứng ra chiên cho nó, thường những người In Đô ít khi ăn trứng chiên nửa sống nửa chín. Một lát sau Edy bưng dĩa cơm đã hâm nóng trở lại và cầm theo cái tô dơ của Philip ăn hồi nãy đưa cho tôi, miệng nó càu nhàu:

– Cái thằng, ăn xong rồi bỏ đó, đi mất tiêu rồi.

Tôi nói:

– Nó mới xuống mà, nếu nó hổng biết chuyện gì thì từ từ con chỉ cho nó.

Tôi lấy cái sạn xúc trứng bỏ vô dĩa cơm của Edy:

– Phần của con xong rồi nè.

– Cảm ơn chú, con bưng lên phòng ăn nhé chú.

– OK, ăn ngon.

Thuyền phó và phụ máy ăn xong rồi đem dao, nĩa, dĩa dơ vô đưa cho tôi, tôi sắp mọi thứ vô máy, coi như bữa ăn sáng đã xong rồi. Tôi day ngang thấy nồi xương hầm sôi lên bọt sắp trào, tôi vặn bớt lửa và vội lấy dá vớt bọt. Xong tôi định đi lên phòng nghỉ ngơi một chút rồi xuống xắt thịt. Vừa đi tới cầu thang thì chạm mặt thuyền trưởng, ông bưng chiếc mâm của người lái tàu và hoa tiêu đã ăn xong đi xuống. Thấy tôi ông chào:

– Xin chào ông bếp.

Tôi ngạc nhiên khi nghe ông chào bằng tiếng Việt và thốt lên:

– Oh! Chào!

Tiện tay ông đưa chiếc mâm cho tôi và hỏi tôi:

– Bếp chiên cho tui hai cái trứng sunny-side up được không?

– Dĩ nhiên.

Tôi bưng mâm trở vô bếp để lên bàn, day ngang bật điện lò và bắt chảo lên. Trong lúc chờ chảo nóng, thuyền trưởng vô đứng bên tôi và đưa máy điện thoại ra khoe:

– Năm rồi tui có đi du lịch bến Ninh Kiều, Cần Thơ, Tây Đô nè.

Chắc hôm đi du lịch học được vài ba tiếng Việt, hôm xuống tàu tới nay bận rộn nên quên, hôm nay nhớ lại mới đem ra xài, mấy tên địa danh ông nói dính chùm nhau, nhưng giọng ông rõ ràng tôi nghe là hiểu liền. Làm ra vẻ hiểu biết, ông nói Cần Thơ mà còn kèm theo Tây Đô nữa. Dạo sau này những người Tây tôi biết thường đi du lịch Việt Nam, khi trở về gặp tôi hay khoe. Tôi day qua vui vẻ nói:

– Oh, đã quá vậy?

Ông có ý định khoe tôi nên mở điện thoại trước, khi đưa ra cho tôi xem thì trên màn hình đã hiện sẵn những chiếc đò dọc và vỏ lải đuôi tôm chạy trên sông, ông bấm tiếp cho tôi xem chợ nổi Cái Răng, tham quan lò làm hủ tiếu và ngồi ăn cá lóc nướng trui trong một cái quán miệt vườn. Cuối cùng dừng lại tấm hình ông mặc quần đùi, mang ba lô đứng dưới chân tượng ông Hồ Chí Minh trên bến Ninh Kiều. Ông chỉ tay vô tấm hình và hỏi:

– Bếp thích cái này không ?

Tôi nhớ có lần tới công trường cách mạng tháng mười ở St. Petersburg tôi có chụp hình đứng trước tượng ông Lenin và tôi có khoe cho thuyền trưởng, lúc đó ông còn là thuyền phó. Hôm đó ông cũng hỏi tôi câu tương tợ như vậy. Tôi cười nhưng không trả lời thẳng:

– Chỉ là pho tượng thôi mà, nước Nga cũng quá trời tượng vinh danh ông kia, bà nọ, hồi đó tui qua St. Petersburg cũng có chụp tượng ông Lenin vậy.

– À, tui nhớ rồi.

Chợt tôi nghe mùi khét, tôi ngó qua bếp thấy chiếc chảo đặt trên lò khói bốc lên nghi ngút, tôi vội day ngang nhắc chảo xuống rồi day lại cười nói:

– Nãy giờ tui với ông lo tán chuyện nên chảo bị cháy rồi.

– Oh, xin lỗi.

– Hổng sao, ông ra bàn ngồi uống cà phê chờ tui, trứng chiên một mặt lâu hơn trứng chiên hai mặt.

– Thiệt hả?

– Thiệt mà, tự nhiên tôi cao hứng giải thích, trứng chiên một mặt phải để lửa nhỏ cho trứng chín từ từ và sau khi đập trứng bỏ vô chảo chiên phải cho vài giọt nước để phía dưới không bị khô, chiên sao tròng trắng phải đặc màu sữa, tròng vàng còn nguyên là được. Còn chiên hai mặt thì để lửa cao một chút đập trứng vô chảo rồi lấy sạn lật qua lật lại hai ba phút là xong.

– Oh, bây giờ tui mới biết tại sao ai cũng thích trứng chiên của ông, nhứt là trứng chiên với thịt ba chỉ hun khói.

– Ông nói đúng, thường thì sáng nào tôi cũng mất một khoảng thời gian chiên trứng cho thủy thủ đoàn. À mà ông muốn trứng với thịt ba chỉ không?

– Hôm nay thì không.

Ông day lưng đi qua phòng ăn. Tôi day lại đem chảo rửa và bắt lên bếp. Chiên trứng xong đem ra cho ông, tôi hỏi:

– Ông đi du lịch tour hay là tự đi?

– Tui đi với người bạn.

– Vui không? Và ăn, uống được không?

– Vui chớ, người Miền Tây rất vui, đi đường gặp người nào cũng cười chào, thức ăn thì món nào tui ăn cũng ngon, trừ cái món lẩu mắm là tôi chịu hổng được.

– Ha ha... Tui là người Miền Tây mà ăn còn hổng vô nữa nói chi ông. Thôi,  ăn trứng sunny side up cho ngon.

– Cảm ơn.

Tôi nhìn đồng hồ đã qua chín giờ, mất toi giờ nghỉ giải lao và lố luôn thời gian làm việc. Tôi lật đật đem thịt bò ra xắt, loại thịt bò dai như da dày này hầm hai tiếng trở lên mới ăn được.

Những năm gần đây trong đám thủy thủ người Nga tôi quen biết, họ thường mang ba lô đi một mình hoặc đi với bạn bè nên họ khác với người Hoà Lan thường đi tour trọn gói, loại mắc tiền nên đi về họ kể lại những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, ngủ trong khách sạn cao cấp và ăn, uống trong nhà hàng hạng sang nên gặp tôi họ khen Việt Nam đẹp, thức ăn ngon, phục vụ tốt. Còn người Nga đi du lịch ba lô nên gần gũi với thiên nhiên và hiểu biết chút ít nhân tình thế thái, về những món ăn bình dân như phở, gỏi cuốn tôm và thịt ba chỉ, thịt kho, cá lóc nướng trui, lẩu mắm. Họ còn biết chuyện kinh tế nước Việt Nam đang phát triển và biết luôn những sự cố rừng núi bị tàn phá, sông Cửu Long bị ô nhiễm, ngập mặn... Trước kia khi nghe họ khen Việt Nam giàu đẹp và là một quốc gia đang phát triển, tôi thích thú và hãnh diện vô cùng. Rồi một ngày tôi ngộ ra những người đi du lịch dù hình thức nào đi nữa, một năm đi một lần thì cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Cho nên tôi nghe và ra vẻ đồng tình xã giao vậy thôi chớ thiệt ra hổng còn cảm xúc vui vẻ khi nghe những chuyện tốt hoặc bức xúc khi nghe những chuyện xấu xa như trước kia nữa.

Tôi xắt thịt vừa xong thì thuyền trưởng cũng đã ăn xong, ông đem dao, nĩa, dĩa, tách dơ vô để vào chậu. Rồi day qua nói với tôi:

– Trưa nay tui hổng ăn, chiều ăn luôn.

– OK. Ngủ ngon.

Trong khi tôi phi tỏi, hành và cho thịt vô xào thì thợ máy từ dưới hầm máy chui lên, ló đầu vô bếp hỏi:

– Ông có cornflakes không ?

– Dĩ nhiên, tôi để trong tủ phòng ăn.

– Ông cho tui mượn cái tô và cái muỗng, tôi ăn Cornflakes được rồi.

Tôi day qua kệ lấy tô và kéo hộc tủ lấy muỗng đưa cho ông:

– Ăn ngon.

Tôi biết Anatoli trong những ngày đầu nước Hoà Lan nhận lao động Nga và Đông Âu sang làm việc. Thời gian đó thủy thủ người Hoà Lan và người Nga tranh chấp, kỳ thị nhau căng lắm. Người Hoà Lan bình thường trông rất hiền hoà, bỗng chốc tôi thấy từ thuyền trưởng cho tới những người cấp dưới ông bộc lộ tánh kỳ thị rất nặng, họ tỏ thái độ rất là hung hăng, không chịu ngồi ăn chung với người Nga, tới giờ ăn các ông lấy đồ ăn bưng lên phòng hoặc xuống ăn trước giờ ăn, thợ máy không chịu phụ máy người Nga hoặc phụ máy hổng chịu làm việc chung với thợ máy người Nga, làm việc chung với nhau mà ngày nào cũng nghe nói xấu người Nga và có khi chửi bới người ta om sòm. Tuy quốc gia Estonia đã sát nhập vào Âu Châu nhưng Anatoli cũng bị chung số phận, ông là thợ máy chánh, bận rất nhiều chuyện, cái máy rửa chén bị hư những thợ máy người Hoà Lan không sửa được, thuyền trưởng bắt Anatoli sửa đi sửa lại hoài, máy cũ xì rồi sửa sao được, các người lấy đó làm đề tài nói xấu người ta. Thật tình thì lúc đó tôi cũng hổng ưa tánh tình của những người trong khối cộng sản lắm, họ nhậu nhẹt, quậy phá, giữa đêm khuya muốn ăn thì gõ cửa phòng đầu bếp hỏi đồ ăn, muốn chơi thì lên gõ cửa phòng con nhỏ thuyền phó đòi chơi, ban ngày thì thừa cơ hội rờ mông, bóp chim con người ta... dĩ nhiên chuyện như vậy chỉ có vài tên say xỉn thôi nhưng cũng là đề tài cho người Hoà Lan đem ra châm biếm và bôi bác rồi. Tuy bực mình nhưng thấy Anatoli bị đì tội nghiệp, nhưng tôi không giúp được gì ông ta hết, chỉ biết động viên về mặt tinh thần, thân thiện, vui vẻ với ông. Có lần tôi rủ ông lên hội quán chơi, trong lúc ngồi uống bia ông nói với tôi:

– Mình ở nước nhỏ nên bị mấy người ở nước lớn xem thường.

Tôi nói:

– Nước Hoà Lan cũng nhỏ mà.

– Nhưng nó giàu.

Tôi nhìn Anatoli và nói:

– Giàu nghèo gì thì ở cũng một cái nhà, ăn cũng đầy một cái bụng, tối ngủ cũng có một cái giường.

– Ông ở Hoà Lan nên ông mới nói vậy.

Ông đưa ngón tay trỏ và ngón cái chà chà vào nhau và nói tiếp:

– No money, no honey...

Câu thành ngữ tiếng Anh no money, no honey, đại khái là không có tiền thì không vui vẻ, không hạnh phúc, câu này tôi thường nghe những người nói với thái độ đùa vui hoặc của các cô gái trong các hộp đêm. Nên khi nghe Anatoli thốt lên với giọng nghiêm túc, tôi thấy nó sao sao đó. Tôi ôn tồn và nói ra sự trải nghiệm của thân phận ăn nhờ ở đậu nước người ta:

– Tại ông nghĩ vậy thôi, chớ ít tiền cũng vẫn sống vui vẻ được mà.

Thấy ông ngẫm nghĩ tôi nói tiếp:

– Ông biết không, tui chạy trốn khỏi Cộng Sản tới Hoà Lan định cư trong những ngày còn trẻ, cả đời làm lụng vất vả và đóng thuế đầy đủ cho đất nước này, được cái là sống trong thế giới tự do thôi, chớ thiệt ra tui vẫn là người Việt và người Hoà Lan họ cũng đâu có coi tôi là người của họ.

– Nhưng ông quốc tịch Hoà Lan thì ông vẫn là người Hoà Lan.

Hết ở Hoà Lan rồi tới vẫn là người Hoà Lan! Nãy giờ thấy ông chú ý lắng nghe và trầm ngâm suy nghĩ, tôi tưởng ông cũng lãnh hội được ít nhiều những gì tôi nói, nhưng xem ra những lời nói của tôi hổng thấm tháp gì với ông hết. Lúc đó tôi mới nhận ra cùng một khối Cộng Sản với nhau nhưng khi tan rã ra thì tâm trạng của mỗi người dân của mỗi nước mỗi khác nhau. Người Nga thì có vẻ cao ngạo, tự hào, còn dân những nước nhỏ cạnh nước Nga mà vài người tôi được biết, cũng như Anatoli, họ nhẫn nhịn và âm thầm làm việc, họ sống tách biệt với mọi người. Tôi nhìn thẳng mặt Anatoli, ông cúi xuống cầm ly bia xoay xoay, tôi nghĩ gần một thế kỷ người Estonia bị đảng Cộng Sản Nga cai trị, cho nên dân tộc này gương mặt lúc nào cũng buồn bã, cam chịu, giống như người Nga, trong đầu họ chỉ biết làm sao kiếm được thiệt nhiều tiền, ngoài ra không còn gì khác. Có thể vì vậy những lời tâm sự của tôi đối với ông cũng như nước đổ đầu vịt mà thôi. Muốn thân thiện với Anatoli lắm, nhưng thái độ và cách nói chuyện của ông tôi nghe hơi kì kì, thật tình là tôi nghe hổng lọt lỗ tai.  

Sau chuyến đó tôi đổi tàu đi những tuyến đường khác. Hơn năm sau tôi mới trở lại gặp ông. Lúc đó tình hình thay đổi rất nhiều, những người Hoà Lan không chịu làm chung với những người Nga thì nghỉ việc công ty này đi làm cho công ty khác. Những người còn ở lại người nào cũng thay đổi tánh tình, họ thay đổi một trăm tám mươi độ la bàn, sống hoà đồng, nói chuyện vui vẻ và chuyện ngồi chơi, ăn, uống chung chạ không còn là vấn đề nữa. Lúc tàu đang hải hành thì giờ cà phê đám officers tự pha cà phê uống trên phòng lái. Trên tàu ngày chủ nhật, tôi làm bánh kem hoặc bánh táo thường thì giờ cà phê phụ thuyền phó, phụ máy hoặc thực tập sinh xuống bưng lên phòng lái. Nhưng hôm đó Anatoli vui vẻ xuống bưng bánh, ông hớn hở khoe với tôi là được ngồi ăn chung với người Hoà Lan và giờ cà phê được lên phòng lái uống chung với họ. Tôi định nói, chuyện đó là quyền lợi của ông, có gì đâu mà ông vui vậy? Nhưng thấy ông vui mừng giống như người được trúng thưởng, sợ ông cụt hứng. Tôi bèn nói:

– Chúc mừng ông nhé.

Giờ ăn trưa hôm đó, Edy phụ bưng đồ ăn lên cho tụi hoa tiêu và ăn xong nó phụ tôi dọn dẹp. Trong lúc dọn nó thấy tôi múc riêng ra một phần ăn, bọc giấy nhựa cẩn thận và để trên bàn, nó hỏi:

– Chú dành cho ai vậy? 

Tôi nói với Edy:

– Ông thợ máy.

– Tại sao tới giờ ăn ông hổng vô ăn ?

– Có lẽ ông ta bận.

– Tàu đang chạy mà bận gì?

Ngập ngừng một chút, nó nói:

– Ông ta hay làm phiền đầu bếp và coi thường người In Đô lắm, có khi ông ra boong chửi thủy thủ ngoài boong nữa.

– Có chuyện đó sao?

– Con nói thiệt mà.

– Con biết ông ta hả?

– Dạ, mấy năm qua con thường làm chung với ông ta mà, tự cao tự đại lắm, chú coi chừng ông ta đó.

– Oh! Vậy là có vấn đề rồi!

Nghe Edy nói tôi mới nhớ, gặp Anatoli hồi sáng tới giờ hổng thấy ông cười và thái độ của ông hổng còn vồn vã như hồi tôi gặp lần cuối nữa. Trước giờ ăn ông vô bếp dặn tôi dành phần ăn riêng cho ông, hình như ông tránh mặt những người Nga. Trước kia chuyện ăn uống trễ giờ làm tôi bực mình, nhưng sống với người Nga và Đông Âu riết rồi cũng quen, tôi nói với Edy:

– Trên tàu có mười một người, đủ cho một đội đá banh mà có tới năm quốc tịch khác nhau, tánh tình mỗi người mỗi khác. Tự cao hay tự thấp gì thì thái độ cũng giống như nhau, mình hổng biết hết được đâu, mặc kệ ông ta đi.

Nói thì nói vậy thôi, chớ thiệt ra thì những ý nghĩ ôn hoà, sự bao dung phải có sự từng trải và tập luyện nhiều năm mới có được. Tôi mỉm cười và day nhìn lại Edy, nó cũng nhìn tôi gật gật cái đầu và mỉm cười trông có vẻ đồng tình, nhưng tôi cũng hổng hiểu nó đang nghĩ gì nữa.

.

Tây Nam Đại Tây Dương 28-2-2021
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Xem chương 1

Xem chương 2

Xem chương 3

Xem chương 4

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/haihanhmuadaidich_5.htm


Cái Đình - 2021