Nguyễn Lê Hồng Hưng


Hải hành mùa đại dịch

Chương 6

.

Vào những ngày biển êm gió nhẹ, buổi sáng cũng như buổi chiều, lúc rảnh rỗi tôi hay ra boong đứng nhìn trời nước bao la. Hễ cứ mỗi lần trở lại vùng Scandinavia tâm trạng tôi có hơi chộn rộn và hay suy tư. Chiều nay sau khi lau chùi, dọn dẹp bếp núc xong tôi lên đứng ngoài tầng hai của mui tàu nhìn mặt trời chiếu lóng lánh trên mặt nước, vài con chim nhàn bay lượn qua lượn lại trong khoảng không sau lái tàu. Trên mặt biển xanh hiện ra những chiếc containers chạy dọc ngang giữa vùng nước rộng mênh mông và vài chiếc tàu buồm trắng thấp thoáng từ dãi đất liền xa xa. Mặt trời hạ xuống gần ngang viền nước phía chơn trời, trước cảnh đẹp tự nhiên nhưng chưa biết tàu nằm trên hải phận nước nào? Tôi đi vô phòng lấy điện thoại mở ra xem thì thấy tín hiệu, tuy chưa cao nhưng là đường truyền của Thuỵ Điển. Có mấy email và tin nhắn tôi chưa vội đọc vì cảnh hoàng hôn bên ngoài hấp dẫn quá. Cầm theo điện thoại bước ra boong mở máy chụp cảnh mặt trời lặn. Chụp xong mấy bôi, chợt thấy thuyền phó từ tầng trên đi xuống, gặp tôi nó dừng lại chào và nói:

– Tui định tìm ông để báo một tin vui.

– Tin gì?

– Tàu trở lại Hamburg ông được về nhà.

– Vậy hả, nhưng còn cả tuần nữa tàu mới về tới Hamburg.

– Ờ, còn một tuần và tui cũng về.

– Mày xuống tàu trước tao mà.

– Cùng ngày với ông.

– Hôm xuống tàu thấy mày trên tàu, tao tưởng mày xuống lâu rồi.

– Trước ông mấy giờ thôi.

– Ờ, như vậy cũng đã hơn hai tháng rồi. Mày xuống tìm tao thông báo vậy thôi sao?

– Không không, tui với phụ tá thuyền phó đổi ca trực đêm, thuyền trưởng cho tàu ghé Stockholm vào sáng sớm ngày mai.

– Vậy hả?

– Tàu đậu lại Stockholm mai mới chạy.

– Những ngày mùa hè thành phố Stockholm đẹp lắm.

– Ông muốn lên bờ chơi không ?

– Chưa biết, tao có đọc tin tức, chánh quyền Thuỵ Điển chưa ban lịnh phòng chống dịch nên bị nhiễm corona tràn lan, có lên bờ chắc cũng hổng được an tâm.

Thuyền phó lắc lắc cái đầu:

– Corona.

Nói tới dịch bệnh tôi mới nhớ ra một chuyện bèn nói:

– Tao có nghe Stockholm trước đây hai ba thế kỷ gì đó có một trận dịch hạch khủng khiếp đã làm chết khoảng một phần ba dân số, bây giờ bị corona không biết chết bao nhiêu nữa đây.

– Ghê quá. Nhưng corona có mặt khắp thế giới, không riêng gì Stockholm.

Thuyền phó vừa nói vừa rụt vai rồi day lưng đi xuống tầng dưới. Mặt trời đã lặn xuống viền nước phương Tây, nhưng khí trời vẫn còn ấm áp, mới hay sắp tới mùa hè. Tôi định đi vô phòng tắm một cái và thay đồ rồi đi ngủ thì thấy thuyền phó trở lên, hai tay cầm hai lon bia, nó khui một lon đưa qua cho tôi và khui một lon giơ lên mời tôi cụng. Động tác của nó nhanh quá làm tôi không kịp phản ứng gì hết. Thấy cũng vui vui nên nó kêu sao tôi làm vậy. Hớp xong hớp bia nó hỏi:

– Trời đẹp quá phải không?

Câu hỏi đúng tâm trạng của tôi trong lúc này. Tôi nói:

– Ờ đẹp thiệt! Không hiểu sao mỗi lần trở lại vùng biển Baltic lúc tao nghĩ vầy khi tao nghĩ khác.

– Là sao?

– Như có điều gì đó đặc biệt, chỉ cách một ranh giới hay eo biển mà con người ta sống khác nhau một trời một vực.

– Ông nói bờ biển và ranh giới của nước nào?

– Những nước bên kia bờ, trong đó có nước Nga của mày.

– À, trước thời Cộng Sản thì khác, chớ giờ thì các nước qua lại bình thường rồi.

– Tao hổng nghĩ vậy, muốn bình thường chắc còn lâu lắm.

– Sao vậy?

– Xã hội và kinh tế thay đổi mau hay chậm tùy theo khả năng chánh quyền, nhưng con người muốn thay đổi thì phải chờ vài ba thế kỷ nữa may ra.

– Ông nghĩ vậy sao?

– Cần gì phải suy nghĩ, mày so sánh nước Nga với những quốc gia trong vùng Scandinavia thì biết.

Nó hớp bia và đưa tay ra lắc lắc độ chừng:

– Scandinavia vật giá mắc mỏ hơn Nga, nhưng cái gì bên đây có thì bên Nga cũng có.

Tôi nhìn thuyền phó, mỉm cười và nói:

– Vừa nói ra thì đã thấy khác rồi, người Nga mày hay so đo vật giá chỗ này mắc chỗ kia rẻ. Nhưng đó là vật giá hàng hoá, còn tinh thần và con người thì sao?

Thuyền phó nhún vai:

– Tui nghĩ con người là con người, hổng khác nhau gì hết.

– Hồi còn trẻ lúc mới tị nạn cộng sản ra nước ngoài, tao nghe nói về tự do, bình đẳng tao cũng nghĩ như mày. Nhưng sống lâu trong thế giới tự do tao thấy khác nhiều thứ, thật ra thì cái gì cũng tương đối thôi. Như nước Nga của mày đã thay đổi gần nửa thế kỷ rồi, kinh tế khá hơn thời bao cấp mà vẫn còn có những con người lúc nào cũng làm như bận rộn, với gương mặt buồn bã, sống không hoà đồng với người khác, làm việc thì chậm chạp hổng tuân theo giờ giấc gì hết. Còn những người trong vùng Scandinavians thân thiện, nhẹ nhàng, tiếp xúc với họ rất dễ dàng và thoải mái.

– Vậy bên Nga hổng dễ dàng và thoải mái sao?

– Mày nghĩ xem, nếu lên một thành phố chơi, khi trở xuống tàu, mặt mũi bầm tím, sưng phù và từ đầu tới chưn đầy thương tích, máu me khắp người, tiền bạc hết sạch, giấy tờ tùy thân hổng còn một miếng, như vậy thì mày có được thoải mái không?

– Bên Mỹ cũng vậy mà.

– Tao công nhận các nước khác đều cũng vậy, chớ hổng riêng gì bên Mỹ hay Nga, nhưng còn tùy theo cách đối xử của người với người và cảnh sát nơi đó có thân thiện, làm đúng chức năng không nữa. Nhưng ở đây tao chỉ so sánh với Scandinavia, chớ tao đâu có so sánh với nước Mỹ.

– Ok. Rồi sao nữa?

– Con người bên các nước trong vùng Scandinavia thoải mái vui tươi, không ồn ào uống rượu bia nhiều cũng không la lết ngoài đường như người ở nước Nga và những nước bên kia bờ như Estonia... nói chung là những nước trong khối Liên Xô cũ...

– Thật ra tao cũng là người cưỡi ngựa xem hoa thôi, thấy sao nói vậy, nghĩ gì nói nấy.

Thuyền phó day lại đưa tay ra khoát khoát:

– Không sao, ông nói hay, nói đúng mà.

– Thật tình thì tao chỉ so sánh con người và cách sống hai bên bờ biển thôi, nếu nói rộng ra thì những tiêu cực ở nước nào cũng có chớ không riêng gì cộng sản hay tự do hoặc nước Nga và nước Mỹ. Người Việt tao cũng vậy, ở bên Nga mày cũng thấy đó xô bồ xô bộn, đâm chém và bắn giết nhau hà rầm như cơm bữa. Ở đây tao chỉ so sánh những chuyện tốt, chuyện xấu xảy ra trong xã hội nhiều hoặc ít thôi. Thật tình thì nước Nga có nền văn hoá cổ kính lâu đời đã gieo vào lòng tao rất nhiều ấn tượng.

– Ấn tượng gì?

– Có những thứ dã man, mà cũng có những thứ văn minh đáng kính. Tao ấn tượng nhứt là những đêm mùa hè rất lãng mạn, con người nơi đây như sống trong một thế giới khác.

– Khác sao?  

– Thành phố St. Petersburg cũng như các thành phố ở cùng một vĩ tuyến, mặt trời hổng lặn được sâu xuống dưới đường chưn trời, bình minh và hoàng hôn nối tiếp nhau làm cho trăng và sao không có cơ hội toả sáng, những đêm này người ta gọi là Đêm Trắng. Ánh sáng giữa đêm trắng có cái tên thông thường rất lãng mạn là romantic light và cũng có tên gọi vừa lãng mạn vừa có chút ma quái đó là magician’s light (ánh sáng của phù thủy).

Thuyền phó cao hứng tiếp lời:

– Ông nói đúng rồi, ánh sáng Đêm Trắng không thể phân biệt được với ánh sáng ban ngày, vì vậy thời gian này những thành phố không bao giờ bật đèn đường vào lúc ban đêm.

– Nhờ vậy mà ở các thành phố, nhứt là những thành phố trong vùng phía Bắc Baltic, những ngày hè dân chúng tiết kiệm được rất nhiều tiền điện và dùng tiền đó mua rượu vodka uống cho đã.

Thuyền phó cười ha hả, xong nó nói:

– Thật ra mỗi thành phố trong những đêm Trắng sinh hoạt đều có màu sắc riêng.

– Nhưng Phải nói là sinh hoạt ở thành phố St. Petersburg vừa có ý nghĩa vừa sôi nổi, sống động vừa lãng mạn và vui nhộn suốt đêm ngày.

Nghe nói tới đây thuyền phó day lại, cầm lon bia đưa lên mời, chúng tôi cụng một cái và cùng ngước cổ lên uống một hớp. Nét mặt ra vẻ tự hào, nó nói:

–  Ông có thể tưởng tượng một đám đông cả triệu con người chen chúc nhau trong một thành phố để xem nhiều loại phim truyện, hình ảnh, hội hoạ giải trí có giá trị do thành phố St. Petersburg cung cấp hoàn toàn miễn phí. Nhiều ngôi sao nhạc rock nổi tiếng cùng dàn nhạc giao hưởng St. Petersburg, những điệu múa ba lê và các nghệ sĩ cổ điển cùng lúc biểu diễn trên những sân khấu khác nhau trong mỗi khu phố...

– Oh, hay quá! Trước đây có lần tao ghé St. Petersburg nhằm lễ Đêm Trắng, người đông như kiến cỏ, chen chúc chau phát ngộp luôn, nhưng tao chỉ thấy được sinh hoạt trên thành phố còn có những chương trình nghệ thuật dưới nước và trên dòng sông Neva nữa, nhưng tao chưa được xem.

Thuyền phó cao hứng kể tôi nghe các cuộc đua thuyền chèo, thuyền máy và các kịch sĩ diễn lại chuyện “Cánh Buồm Đỏ Thắm” được tổ chức vào tháng sáu hàng năm, nhân dịp ngày tốt nghiệp phổ thông trung học nhằm đánh dấu bước ngoặc mới trong cuộc đời của các em học sinh, để cho các em tự tin bước vào đời sống sinh viên. Lễ hội còn diễn lại một cuộc chiến cướp biển bằng sự xuất hiện của một con tàu lớn và những cánh buồm cao màu đỏ tươi trông rất là ngoạn mục. Với một thủy thủ trẻ trung, kiên cường vượt qua sóng gió để đến đón cô gái Assol xinh đẹp... Coi như mơ ước suốt thời kỳ thơ ấu của Assol theo đuổi đã hoàn thành.

Chuyện Cánh Buồm Đỏ tôi đã xem phim và nghe nói nhiều rồi, nhưng vẫn thích nghe người Nga kể lại trong đêm trắng hơn là người nước khác. Cuối cùng có vài tiết mục nghệ thuật do các diễn viên nổi tiếng của nước Nga và bế mạc chương trình bằng đợt bắn pháo bông rực rở diễn ra. Hàng triệu tia pháo hoa chóp sáng trên bầu trời thành phố, một chiếc thuyền buồm màu đỏ hiện ra trên sông Neva trong ánh sáng thiên nhiên đầy lãng mạn, kì ảo của đêm trắng trên sông Neva như muốn để lại trong lòng người ta một ấn tượng khó quên. Tôi day qua nói với thuyền phó:

– Theo tao ngoại trừ những thành phố trong vùng của những ngày hè không tối ra thì vui tươi, nhộn nhịp không thành phố lớn nào ở châu Âu có thể đem ra so sánh với St. Petersburg!

– Nhưng ngoài những cái hay, cái đẹp của nước Nga cũng còn có những cái dã man phải không?

Thuyền phó nhìn tôi cười cười như chờ xem thái độ của tôi. Trong những ngày thường, lúc ngồi uống bia chơi, tôi hay nói về sự tù tội, giết người dã man của người cộng sản trên thế giới này, cho nên trong lúc cao hứng thuyền phó muốn thăm dò ý nghĩ của tôi chăng? Có lẽ trước kia tôi thường đi đi lại lại thành phố St. Petersburg, tiếp súc nhiều người Việt sống trong thời Cộng Sản loi nhoi lóc nhóc trên nhiều đường phố. Tôi cũng có đọc và tìm tòi biết được chút ít lịch sử, văn hoá nước Nga. Sau này làm việc chung với người Nga trên đất nước tự do, cho nên những ý nghĩ về đất nước, con người Nga trong đầu tôi lúc nào cũng ầm ĩ. Tôi đáp liền:

– Nói dã man thì có hơi quá, ở đây tao nói một chút khía cạnh của lịch sử, văn hoá mà thôi. Thí dụ những cái tiêu cực như tượng đài vinh danh hay những công trình kiến trúc đồ sộ có tính tuyên truyền của thời Sô Viết, nói gì thì nói, nhưng dù sao nó cũng là những di tích lịch sử. Từ bây giờ con người ta bắt đầu đánh giá lại hết, tao nghĩ cho tới ngàn đời sau cũng mang tiếng như vậy thôi.

Thuyền phó ngạc nhiên day qua hỏi:

– Oh, mang tiếng gì?

– Như con kinh đào Biển Trắng (Belomorkanal) ở bắc Băng Dương nối liền từ Biển Trắng ra biển Baltic, người ta hổng cần biết nó làm cho kinh tế vùng Biển Trắng của nước Nga có khá lên không. Nhưng chắc chắn người ta sẽ nhớ mãi con kinh làm bằng công sức lao động cưỡng bức trên hai trăm ngàn tù nhân thời Cộng Sản Nga, với chừng đó con người, sau khi khai thông được con kinh thì những người tù bị chết cũng trên dưới trăm ngàn người...

– Nhưng nước nào cũng vậy, xây dựng những công trình lớn, cũng cần  có nhiều người góp sức, dĩ nhiên là có tổn thất rồi.

– Ok, tao đồng ý với mày là cần nhiều người góp sức và chịu sự tổn thất, nhưng mày cũng cần nên biết, một bên tự nguyện góp sức có hợp đồng và một bên cưỡng bức người ta lao động, hai cách làm nhìn thì giống nhau, nhưng về mặt tinh thần thì khác.

– Khác sao?

Cái thằng trông mặt có vẻ thông minh vậy mà hổng hiểu những gì tôi nói, làm tôi phải thêm một phen giải thích:

–  Thí dụ như khách du lịch đi trên Great Wall of China (Vạn Lý Trường Thành) ngoài sự chiêm ngưỡng bức tường dài ra họ còn nghĩ tới mỗi viên gạch là một xác chết, tức thì khách du lịch chấp tay cầu nguyện, dù cho kiến trúc tường thành đó có tinh vi, kiên cố bao nhiêu đi nữa thì người ta cũng nhớ tới vị hoàng đế tàn bạo thuở đó là...

Nói tới đây tôi bí vì hổng biết tên vị hoàng đế Tần Thủy Hoàng tiếng Anh gọi là gì và thấy thuyền phó cũng hứng thú và chú ý lắng nghe. Tôi bèn móc điện thoại trong túi ra, mở google dịch, bấm tìm tên Tần Thủy Hoàng, máy dịch ra tiếng anh là Qin Shi Huang. Tôi đưa điện thoại qua cho thuyền phó xem, nó lắc đầu nói:

– Tui hổng biết tên vị hoàng đế này.

– Mày có nghe Great Wall of China không?

– Có, tui đó đọc báo du lịch.

– Chính ông hoàng đế Qin Shi Huang này bắt dân nô lệ Trung Quốc xây lên đó.

Tôi đút điện thoại vô túi áo và nói tiếp:

– Theo tao thì ngàn năm sau, du khách Nga hoặc du khách các nước khác đi tàu trên con kinh đào Belomorkanal thì họ cũng sẽ nghĩ tới hàng trăm ngàn người tù cưỡng bức đã chết tức tưởi trong lúc đào kinh bị đói vì thiếu ăn, bị lạnh không đủ áo ấm và bịnh đau không thuốc men, không bác sĩ, y tá săn sóc chữa trị. Hễ người tù nào chống đối hặc làm hổng nổi liền bị bắn tại chỗ thì người ta sẽ chấp tay cầu nguyện và nhớ tới lãnh đạo nước Nga tàn bạo thuở đó là đảng cộng sản do ông Lenin cầm đầu.

Thuyền phó ừ hử và day ngang đưa lon bia ra cụng, nó ngước cổ uống một hớp và tôi cũng làm theo. Có lẽ nghe chuyện “dã man” làm thằng nhỏ uống ngụm bia bị đắng rồi nên mới đứng im lặng? Chúng tôi không nói thêm gì chỉ đứng nhìn vào dải đất liền, bóng tối mỗi lúc mỗi đen, trên nền trời có những vì sao xuất hiện và ngọn hải đăng trong dãi đất liền quét lằng sáng trên không gian. Hồi sau thuyền phó cất tiếng nói:

– Hồi trước tới giờ tui chưa một lần bước lên bờ Thuỵ Điển.

– Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan mày lên chưa?

– Có vài lần lên bờ mua sắm rồi trở lại tàu, nên tui không hình dung ra con người xã hội những nước đó ra làm sao.

– Theo tao thì Scandinavia là một nhóm quốc gia văn minh, nhân bản có những nhà nước thông minh, những xã hội giàu có, trình độ giáo dục và chăm sóc sức khỏe dân chúng rất tốt.

– Tui có đọc báo mới biết thủ đô Stockholm đẹp giống như thành phố Venezia. 

– Giống chỗ nào?

– Có rất nhiều nước.

– Giống nhau tại vì có nhiều nước thôi sao?

– Ừ, thì thành phố cổ, nhà cửa cũ kỹ...

– Tao cũng không hiểu sao mấy người viết báo du lịch hay so sánh những thành phố đẹp khác với Venezia. Thật ra nước ở Venezia hổng được xanh trong như nước biển Stockholm và xe cộ bị cấm chạy trong thành phố kể cả xe đạp, du khách cuốc bộ hoặc đi xuồng gondola, tàu đò hoặc tắc-xi-nước và sinh hoạt đâu có rầm rộ như ở Stockholm. Đi trong phố Venezia tao có cảm giác như đi trên một sàn nước cũ kỹ, khổng lồ làm bằng xi măng cốt sắt, lót đá gạch và tưởng chừng nó có thể bị xụp đổ xuống hoặc bị nước ngập lên bất cứ lúc nào.

– Ông tới Stockholm nhiều lắm không?

– Mấy năm trước tao thường đi đi lại lại thành phố này, tàu tới buổi sáng thì tao lên bờ buổi trưa, tàu tới buổi chiều là tao lên bờ chơi buổi tối, những đêm trắng có khi tao thức suốt đêm.

– Chắc nó có gì hấp dẫn lắm mới làm ông thích.

– Tao cũng hổng biết nói sao nữa, nhưng tao nhớ nó gây ấn tượng trong tao rất nhẹ nhàng.

– Nhẹ sao?

– Tao còn nhớ lần đầu tao tò mò muốn biết đến Stockholm vì hai câu thành ngữ:  ‘Thành phố lớn mà nhỏ nhất thế giới’ và cũng có câu: ‘Thị trấn nhỏ mà lớn nhất thế giới’.

– Oh, lạ vậy.

– Ông biết nhiều quá.

– Có một điều đặc biệt mà tao thích là những con người trong các thành phố của Scandinavia như Stockholm, Helsinki, Cophenhagen vào mùa hè họ rất đẹp. Nhứt là ban đêm trời không tối, họ đi ngoài đường hoặc ra vào nhà ga lúc lưa thưa cũng như khi đông đúc, họ không ồn ào giữa không gian xam xám, nâu nâu và đùn đục. Trong ánh sáng nhẹ nhàng đã tạo ra một bầu không khí thanh tao đầy lãng mạn làm cho con người họ tao nhã rất là tự nhiên, trông họ đẹp như thần tiên, thoạt nhìn tưởng chừng như họ bước ra từ trong một tạp chí người mẫu thời trang.

Thuyền phó hớp hớp bia cuối cùng rồi liệng lon xuống biển. Day ngang nói:

– Nghe ông nói tui thấy thích vô cùng, có thời gian tui lên bờ xem cho biết.

Tôi cũng hớp một hớp bia và quay ra hỏi nó:

– Mày uống nữa không?

– Không tui đi ngủ, khuya nay tui còn trực.

Nói xong nó chào tôi rồi đi vô trong mui tàu. Tôi cầm lon bia vô phòng và bỏ lon vô thùng rác, móc điện thoại để lên bàn. Tắm rửa sạch sẻ, thay đồ ngủ xong lên giường nằm. Chợt nhớ tới mấy tin nhắn và email, tôi bèn chồm qua bàn lấy điện thoại mở ra nằm đọc. Đọc hết tin nhắn chưa và tôi cũng hổng biết buông điện thoại mà ngủ đi hồi lúc nào không hay. Tới khi nghe tiếng máy tàu giảm nhẹ tôi thức dậy,  nghe chiếc điện thoại còn cồm cộm dưới lưng, tôi ngồi dậy lấy điện thoại, tiện tay bấm coi giờ, mới hơn bốn giờ sáng, nghe tiếng máy tàu tăng lên mới biết tàu đã đón hoa tiêu. Tôi nằm xuống đọc lại mấy tin nhắn, dạo này những tin nhắn thường hỏi thăm sức khoẻ và nói về chuyện corona. Có chị bạn là bác sĩ hay gởi thông tin về corona và dạy tôi cách đề phòng dịch bệnh và bạn bè hỏi những nơi tôi tới có nhiều corona không?

Phải công nhận, ngủ trong cái không mát mẻ, mặc dù ngủ ít, nhưng khi thức dậy khoẻ khoắn thể chất lẫn tinh thần. Tôi không ngủ lại được nữa, ngồi dậy bước ra boong định làm vài động tác thể dục, chợt thấy trên boong ướt sũng.

– Ồ! Mưa đêm?

Mặt trời cũng vừa ló dạng những hòn đảo và dải đất liền đã hiện rõ trên làng nước xanh, mặt nước lóng lánh rực rỡ và một thứ ánh sáng mơ màng chỉ đọng giữa biển trong khoảnh khắc nó thay đổi qua sáng trong trẻo như hơi thở nhẹ nhàng ngập tràn biển khơi. Thật kỳ diệu, không phải chỉ nhìn thấy bằng mắt mà nhìn bằng cả một tấm lòng, tôi có chút ngạc nhiên khi nhìn vô bờ, trời trong vắt dãi đất liền đậm hơn, những đám mây xám nặng nề phủ phía chưn trời vừa vén lên để lộ ra một góc trời trần trụi. Trong cái ánh sáng chan hoà một cánh buồm nhỏ xinh xắn màu trắng tươi in trên mặt nước xanh như một chấm phá. Có lẽ những người trên chiếc ghe buồm ấy cũng không ngủ hoặc có ngủ thì cũng ngủ ngắn như tôi, họ đương thức và ngồi nhìn ánh sáng thay đổi và thấy thời gian chầm chậm trôi theo ánh mặt trời từ từ chiếu sáng. Chưa bao giờ tôi thấy không gian trong sạch đến đỗi không tin rằng nó có thật trên trần gian. Tôi chắc chắn là khắp vùng biển này chưa bị nhiễm dịch corona mà người ta gọi là dịch Vũ Hán.

.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dronten 1-5-2021

Xem chương 1

Xem chương 2

Xem chương 3

Xem chương 4

Xem chương 5

Xem chương 6

Xem tiếp chương 7

 

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/haihanhmuadaidich_6.htm


Cái Đình - 2021